Thứ 6, 20/09/2024, 04:22[GMT+7]

Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong ngày hè

Thứ 3, 11/06/2013 | 08:24:12
951 lượt xem
Hè về đồng nghĩa với việc trẻ em được nghỉ học, được vui chơi thỏa thích nhưng nếu không có sân chơi lành mạnh, an toàn cho các em sẽ dễ dẫn đến tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, vi phạm pháp luật… Vì vậy, các cấp, các ngành, các bậc cha mẹ cần tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em hơn trong dịp hè.

Trẻ em tắm ở sông, ao, hồ luôn có nguy cơ bị đuối nước. Ảnh: Mai Thư

Thời gian qua, công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em ở tỉnh ta đã được các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các tầng lớp nhân dân cùng tham gia chăm lo, cao điểm nhất là vào Tháng Hành động vì trẻ em (từ 1/6 – 30/6 hàng năm). Do đó các quyền của trẻ em ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Nhu cầu vui chơi, giải trí cho trẻ được cải thiện rõ rệt. Gia đình, nhà trường và toàn xã hội đã chú trọng đến việc chăm sóc, giáo dục, bảo đảm sức khỏe, cân bằng dinh dưỡng cho trẻ để trẻ phát triển toàn diện “đức, trí, thể, mỹ”.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn một số hạn chế. Mặc dù đã được cảnh báo thường xuyên thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua những bài học thương tâm, nhưng các vụ đuối nước ở trẻ em vẫn xảy ra, để lại những đau thương, mất mát cho gia đình và xã hội. Vì vậy, các gia đình và các khu dân cư cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo cho trẻ nhỏ.

 

Trong 3 tháng nghỉ hè, thời gian rảnh rỗi của trẻ khá lớn, nếu không quan tâm đúng mức, sẽ khó tránh khỏi một số yếu tố có nguy cơ xấu ảnh hưởng đến các em, dễ sa đà vào các trò chơi điện tử trực tuyến mang tính chất bạo lực, thậm chí vi phạm đạo đức và thuần phong mỹ tục, có lối sống tiêu cực… Vì thiếu sân chơi nên nhiều em bất chấp nguy hiểm đến tính mạng trượt pa-tanh ngay dưới lòng đường đông xe cộ qua lại. Không thể tự nghĩ, tự tổ chức các trò chơi phù hợp nên hàng chục em rủ nhau ra Quảng trường 14/10 lấy nước đựng vào túi bóng ném nhau làm quần áo ướt nhẹp, báo hại những cô lao công phải mất rất nhiều thời gian mới thu hết rác…

 

Chị Nguyễn Thị Nga, phường Hoàng Diệu (Thành phố Thái Bình) cho biết: Chị có cậu con trai vừa học xong lớp 3, đang nghỉ hè, cả hai vợ chồng là viên chức nhà nước ban ngày đi làm suốt không thể quản con nên chị đăng ký lớp Anh văn, lớp học võ cho con theo học rồi nhờ luôn thầy, cô quản lý hộ. Ðây được coi là một trong những lựa chọn sáng suốt của không ít phụ huynh ở Thành phố để có thể quản lý con em trong dịp hè. Tuy nhiên, những ngày hè là thời gian để trẻ vui chơi, giải trí không nên ép buộc trẻ học hành nếu trẻ không muốn.

 

Chị Phạm Thị Thắm, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) cho hay: Nhà chị có 2 cháu nhỏ đang học lớp 1 và lớp 3, nghỉ hè 2 chị em thường rủ bạn bè đến nhà cùng nhau đá bóng, chơi bán hàng, nặn đất thành hình các con vật... Nhà văn hóa thôn ở gần nhà nên chiều mát các cháu lại ra đó chơi, xem người lớn chơi thể thao. Nhưng ở nông thôn nhiều ao, hồ, không có người lớn trông nom, trẻ chơi một lúc thấy nóng rủ nhau đi tắm ở ao, hồ sẽ dễ bị đuối nước. Chị ngậm ngùi: Trẻ con nông thôn đâu có điều kiện vui chơi, giải trí như trẻ con ở thành phố, chỉ thỉnh thoảng mới có điều kiện đưa con đến nhà văn hóa huyện hoặc thành phố cho các cháu chơi”.

 

Hiện nay, các gia đình và địa phương đã quan tâm hơn đến môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ. Nhưng công tác quản lý, định hướng và tạo môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn, bổ ích cho trẻ trong cuộc sống, trước mắt là trong những tháng hè, là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết cần được triển khai thường xuyên, liên tục. Ngoài chú trọng vận động các nguồn lực trong nhân dân để tổ chức các hoạt động hè thiết thực cho trẻ em, cần phải đề cao vai trò, sự quan tâm của gia đình, các bậc cha mẹ, ông bà trong việc hướng dẫn, giáo dục, quản lý con em phòng tránh các nguy cơ tai nạn trong cuộc sống hàng ngày. Mặt khác, cần phải chủ động hơn nữa trong các hoạt động định hướng và tạo sân chơi lành mạnh cho các em nhỏ, huấn luyện kỹ năng bơi lội, phòng tránh đuối nước, tai nạn thương tích, bạo lực, bị xâm hại, nhắc nhở các em chấp hành Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông… Bố trí đủ cán bộ theo dõi, thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở địa phương. Ðẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tạo điều kiện phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo.

Ðỗ Hiền

 

  • Từ khóa