Thứ 7, 16/11/2024, 04:47[GMT+7]

Du kích làng Nê đánh trận cầu Cam

Thứ 2, 24/02/2020 | 09:43:46
6,591 lượt xem
Du kích Thanh Nê thực hiện chiến tranh du kích “lấy ít thắng nhiều, dùng vũ khí thô sơ thắng địch có vũ khí hiện đại và đánh địch lấy vũ khí trang bị cho ta dùng vũ khí của địch đánh địch”, đã góp phần vào chiến thắng chung của huyện, tỉnh và của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng dân tộc.

Trung đội nữ du kích căm hờn do đồng chí Nguyễn Thị Chiên chỉ huy, ra đời sau trận càn quét của giặc Pháp. Ảnh tư liệu

Làng Nê, xã Tán Thuật (Kiến Xương) năm 1951 về trước là một vùng quê sầm uất, dân cư đông đúc, những lũy tre xanh bao bọc quanh làng, các vườn cây lưu niên và những cây cổ thụ trù phú, những nếp nhà từ đời ông cha để lại, những ngôi đình, ngôi chùa cổ kính chạm trổ rồng phượng kỳ công, rất có giá trị về văn hóa. Nhưng đến đầu năm 1952, giặc về đây đóng đồn bốt, một tiểu đoàn quân Pháp và quân ngụy được trang bị nhiều vũ khí tối tân, có cả gần chục khẩu pháo cỡ 105 ly, hàng ngày tiếng pháo gầm rú. Là một vị trí quan trọng của địch lúc bấy giờ ở địa bàn Kiến Xương, âm mưu của chúng nhằm “án ngữ và ngăn chặn các hoạt động của lực lượng vũ trang ta từ phía Nam Kiến Xương sang phía Bắc Kiến Xương và ngược lại, đồng thời chúng bảo vệ trục đường 39B và đường 222 khỏi bị ta tiến công”.

Địch đánh đồn bốt và chúng đã tàn phá làng Nê thành “vành đai trắng”. Những ngôi nhà của nhân dân chúng thiêu đốt thành tro bụi, các đình, chùa kiên cố với những chiếc cột to, địch cho phu và lính phá dỡ chở về làm bốt, làm công sự… Tất cả những cảnh đẹp của làng quê đã bị xe cơ giới của địch san ủi sạch trơn, còn trơ trụi những đống gạch vụn và bãi cỏ hoang vu. Chúng thực hiện “Đốt sạch, phá sạch”. Không còn con đường nào khác, nhân dân Thanh Nê phải bỏ làng mạc chạy ra các bờ sông và các gò đất ở ngoài cánh đồng lập quê mới, dựng những túp lều tranh và đào hầm hố ngay tại đó để trú ẩn và làm ăn sinh sống, bám đất để xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, bám trụ đấu tranh chính trị, quân sự với địch lâu dài.

Địch đóng bốt Nê, chúng đã lập vọng gác cầu Cam là một điểm “chốt” vòng ngoài là vọng gác “tiền tiêu” để chúng quan sát các hoạt động của lực lượng vũ trang ta. Hàng ngày kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn lực lượng trong đồn bốt và các vùng phụ cận. Vọng gác cầu Cam cách bốt Nê 1km về phía Nam, hàng ngày địch cho một tiểu đội lính ngụy có một “sếp” chỉ huy, thay nhau ra gác, tối lại rút về bốt vì sợ quân ta tiến công. Cuối năm 1952, du kích Thanh Nê đã tổ chức đánh địch ở vọng gác này, nhưng do sơ hở bị lộ nên trận đánh không thành.

 “Hỏng keo này, ta bày keo khác”, ngày 5/3/1953, lúc mặt trời mới hé mọc, trục đường 222 và khu vực chung quanh cầu Cam chưa thấy có người dân nào qua lại, dòng sông Kiến Giang còn phẳng lặng chưa một bóng thuyền xuôi ngược thì lúc ấy đã xuất hiện những tên ngụy quân với quân phục màu vàng nhạt, đầu đội mũ bạc phếch, chân đi giầy đinh lộp cộp, súng đeo vai. Có những tên bé thấp đeo súng trường dài gần quét đất, tên chỉ huy mang khẩu súng tiểu liên báng gấp có vẻ oai phong, xung quanh đai lưng tên nào cũng kín khắp những băng đạn, bình tông nước uống và đồ ăn khô… Điệu bộ đi dò dẫm từng bước thành hàng dọc, cự ly mỗi tên cách nhau từ 3 - 4m trên đường 222 từ bốt ra trạm gác. Tới cầu Cam chúng triển khai thành ba: Mỗi đầu cầu một tốp, giữa một tốp 3 tên, rồi bọn lính kéo bạt che nắng như những ngày thường lệ. Công việc gác của địch ổn định sau vài giờ đồng hồ thì vào khoảng gần 9 giờ sáng địch bị du kích Thanh Nê tập kích bất ngờ. Lực lượng du kích gồm 11 người (8 nữ, 3 nam), do đội trưởng Nguyễn Thị Liên, 25 tuổi chỉ huy đã mưu trí dũng cảm tiến công ba gác trên cầu Cam. Mũi đánh chính diện là 3 du kích nam từ hướng Đông ven sông Kiến Giang tiếp cận gần đầu cầu phía Bắc, đóng vai những người dân tay cầm mai, cuốc xới đất. Mũi thứ hai là 4 du kích nữ đóng vai những người dân gánh củi và cắt cỏ từ trong làng cũ qua cầu ra khu vực làng mới. Mũi hướng Nam là 4 cô gái đi bán gạo và mua sắm đồ ở chợ Bặt, xuất phát từ cánh đồng Đỏ Mỏ theo bờ sông tiến về hướng cầu Cam.

 “Tương kế tựu kế” đánh lạc hướng địch, chị Dậu 18 tuổi, du kích ít tuổi nhất có nước da trắng trẻo, khuôn mặt trái xoan, quần áo duyên dáng cùng với chị Liên được phân công nhiệm vụ trước đó mấy ngày đã đóng giả các cô gái cắt cỏ để tiếp xúc làm quen dần với bọn gác. Các chị đến vọng gác để làm quen chuyện trò như những lần trước đây và thăm dò thái độ của bọn chúng. Được địch tỏ thái độ hòa nhã, thiện cảm, nhân đó các chị hỏi nó: Khẩu này là súng gì? Cách nạp đạn, tháo đạn, bắn súng… dần dà chúng đã hướng dẫn cho các chị thao tác súng, chúng tháo đạn ra rồi đưa súng cho các chị tự thao tác. Lợi dụng cơ hội này, các chị đã khóa hết nòng súng lại mà địch không hề biết. Chị Liên chớp thời cơ lúc này gọi:
- Anh hạ sĩ Tháp ơi? Anh có thư của cô Ba gửi! Rồi chị Liên đưa thư cho Tháp (thư do ta mạo ra, gửi cho Tháp, chữ ngoài bì và trong thư giống hệt chữ cô Ba). Cô Ba người làng Nê, trước đó khoảng một tháng Tháp quen biết và tỏ muốn yêu cô, nhưng thời gian ấy ta bố trí cho cô đi Hà Nội không có nhà. Nói có thư Tháp tin ngay, mấy lính cùng gác mỉm cười tỏ vui mừng cho “sếp” rồi xúm lại xung quanh hạ sĩ Tháp thì cũng là lúc đội trưởng du kích Nguyễn Thị Liên miệng vẫn trò chuyện, mắt đảo chung quanh và tay cầm chiếc nón trắng đang đội trên đầu giơ cao vẫy quạt làm “tín hiệu” cho các hướng, các mũi của ta biết đó là lệnh “xuất kích”. Cùng lúc đó có em Sung 10 tuổi quần áo xốc xếch là con trai của du kích Trương Văn Nguyên đến gần chỗ bố đang cùng đồng đội xới đất ở bờ sông sẵn sàng chờ lệnh. Sung gọi bố thật to với ám hiệu “Mẹ đau bụng đẻ, bố về ngay”. Đó là giờ “G”, lực lượng các mũi nhanh như sóc xông lên đánh địch bằng các loại vũ khí thô sơ như dao, liềm, mai, cuốc, xẻng, đòn gánh,… và lấy báng súng của địch đánh địch. Ta và địch vật lộn quyết liệt, có những tên lính đã cướp lại được súng nhưng nòng súng đã bị khóa chặt.

Du kích đã choảng cho bọn địch những đòn chí tử rồi đẩy chúng xuống sông Kiến Giang, một vài tên bị thương nhẹ ngoi ngóp bơi được vào bờ ướt như chuột lột, hoang mang, hoảng hốt chạy tắt qua cánh đồng Cơm Kho về bốt Nê. Những tên bị thương nặng chìm xuống đáy sông cuốn theo dòng xoáy. Trận này ta xóa sổ gần hết bọn gác và thu được gần chục khẩu súng trường MU-DE, lực lượng du kích rời khỏi trận địa an toàn tuyệt đối. Những tên địch sống sót chạy về bốt báo cho chỉ huy thì lập tức các hỏa lực trong đồn bốt bắn tới tấp ra khu vực cầu Cam như những kẻ điên cuồng, nhưng đã muộn.

Từ sau trận đánh này, địch không dám cho bọn lính ra gác cầu Cam nữa, phải rút vọng gác vào sát bốt. Tạo điều kiện cho du kích và nhân dân làng Nê đêm đào các giao thông hào sát đồn địch để bao vây áp sát đánh địch, tên nào ra khỏi bốt là bị du kích bắn tỉa ngay, chúng phải dùng máy bay Đa-Cô-Ta thả dù từng can nước uống và đồ ăn cho bọn ở trong đồn bốt. Một thời gian không chịu đựng được, địch đã rút chạy. Du kích Thanh Nê thực hiện chiến tranh du kích “lấy ít thắng nhiều, dùng vũ khí thô sơ thắng địch có vũ khí hiện đại và đánh địch lấy vũ khí trang bị cho ta dùng vũ khí của địch đánh địch”, đã góp phần vào chiến thắng chung của huyện, tỉnh và của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng dân tộc.

Những người du kích năm xưa, hầu hết đã không còn nhưng đã để lại tiếng vang mãi mãi, có người còn sống nay là những hội viên cựu chiến binh, là các bậc cao niên mẫu mực đã và đang phát huy phẩm chất truyền thống của lực lượng vũ trang nhân dân, ra sức bồi dưỡng giáo dục cho thế hệ trẻ tiếp nối cha ông, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tô thắm truyền thống đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Vũ Quang Tứ
(Thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương)