Thứ 5, 05/12/2024, 09:43[GMT+7]

Đa Cương liệt nghĩa

Thứ 2, 02/03/2020 | 09:07:00
3,332 lượt xem
Theo hồ sơ kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa của Bảo tàng tỉnh Thái Bình năm 2005, Bảo tàng tỉnh đã dịch và ghi chép được 25 thủ lĩnh người Thái Bình tham gia khởi binh chống quân Đông Hán dưới thời Hai Bà Trưng, trong đó nổi bật là nữ tướng Vũ Thị Thục, thường gọi là Bát Nạn tướng quân.

Đền Tiên La (xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà) - nơi thờ Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục, người dấy binh khởi nghĩa đánh quân Đông Hán năm 42 - 43.

Truyền ngôn rằng: Vũ Thị Thục nương nghe tin cha là Vũ Công Chất bị thái thú Tô Định bắt giam, hứa lang Phạm Hương bị giết hại trước mặt cha, ngay đêm tối đã trốn về quê mẹ tại hương Đa Cương (nay thuộc xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà). Tương truyền, bà náu mình trong chùa Tiên La, sáng hôm sau bà mời tất cả hương lão trong làng tụ hội tại gốc đa cạnh bờ sông bàn kế sách khởi binh giết giặc Hán “đền nợ nước, trả thù nhà”. Hương lão cùng trai tráng đồng tâm nối hàng trước cửa chùa tôn vinh trưởng nữ họ Vũ làm minh chủ, tổng huy động con em hương Đa Cương sắm giáo mác, đêm ngày luyện tập chiến đấu.

Theo các tài liệu khảo cứu, bà Hoàng Thị Mầu (mẫu thân Vũ Thị Thục) là con cháu thuộc dòng tộc Việt Mường ở hương Đa Cương đã liên kết với gia tộc họ Vũ ở Phong Châu là Vũ Công Chất, quê làng Phượng Lâu, huyện Bạch Hạc (nay thuộc Phú Thọ). Tiên sinh Vũ Công Chất giỏi nho, y, lý, số nhưng không chịu làm quan dưới trướng quan thái thú Tô Định, lại liên kết với họ Phạm ở Chu Diên, hứa gả trưởng nữ Vũ Thị Thục nương cho trưởng tộc Phạm Hương. Tô Định háo sắc ép Vũ Thị Thục làm ái thiếp, hứa ban chức tước cho Vũ Công Chất nhưng bị chối từ. Không ép được Vũ Thị Thục và không lôi kéo được Vũ Công Chất vào hùa với mình, Tô Định nổi máu bạo tàn cho quân bắt giam Vũ Công tiên sinh, chém đầu Phạm Hương trước mặt Vũ Công tiên sinh, kéo quân về Phượng Lâu tàn sát dân lành thảm khốc.
Theo các tài liệu khảo cứu, thời Hùng Vương, vùng đất Hưng Hà nay được gọi là Đa Cương (nhiều gò đống) đã có nhiều quý tộc gốc Việt Mường từ miền núi cao về khai hoang, lập ấp. Họ Hà chiếm hầu khắp từ Hà Xá xuống Hà Nguyên, Hà Lang (nay thuộc xã Tân Lễ). Họ Hoàng chiếm cánh đồng màu mỡ Tam Nông, Hoàng Nông, Đôn Nông, Diên Nông (nay là xã Điệp Nông) là vùng kinh tế rất thịnh đạt. Nhiều quan lang đã cư trú ở Hà Lang, Khả Lang, Nham Lang (nay thuộc xã Tân Tiến), con cái nhà lang chiếm riêng Chiềng óc, Lang Cun (Cun Cương, xã Hòa Tiến), dân gốc cổ sớm có mặt ở Bùi Phú (xã Độc Lập), Bùi Xá (xã Tân Lễ)... Dân Thượng Đạo và dân chài tộc Đãn nhiều vùng đã sớm bỏ sông nước lên bờ sống bằng nghề trồng trọt, khoảng đầu thời Tây Hán họ đã đạt đến trình độ văn hóa cao.

Ngược dòng lịch sử, năm 23, thế kỷ I, sau khi lập nhà Đông Hán, Lưu Tú cho gọi Nhâm Diêm, Tích Quang đang làm quan cai trị Giao Châu về nước, cử Tô Định sang làm thái thú. Tô Định không những kế thừa tính bạo liệt của Lưu Tú mà còn ra sức hoành hành khiến dân chúng đã cơ khổ trăm bề còn cực khổ hơn. Khắp làng quê không ngớt tiếng than. Để trả ơn tầng lớp thương nhân đã có công giúp phục hưng nhà Hán, Lưu Tú rộng tay với thương giới, cho bọn thương gia được thể câu kết với quan cai trị thúc ép dân ta lên rừng tìm sừng tê giác, ngà voi, trầm hương..., dân lành chết vì nạn hổ báo. Chúng ép dân ta xuống bể mò ngọc trai, bắt đồi mồi, dân lành chết vì sóng gió... Chúng về thôn dã ép thu mua tơ lụa để đem về nội địa kiếm lời, tăng cao phú liễm để đáp ứng cho triều Đông Hán xây dựng kinh đô Lạc Dương. 

Theo các nguồn khảo luận, mâu thuẫn lớn nhất, trực tiếp nhất được truyền tụng trong dân gian và chép trong các thần tích đền, miếu còn lưu lại ở Thái Bình là quân giặc thích ép gái đẹp con dân lành làm tỳ thiếp cho người Hán. Ngoài Tô Định bức con gái đẹp làm tỳ thiếp ở phủ thái thú còn có sự a tòng của quý tộc Hán và quân lính Hán. Hành động ố dâm của giặc Hán vừa thỏa mãn thói dâm dục của bọn xâm lược vừa âm mưu đồng hóa dân tộc. Những hào phú phần đông bấy giờ giữ vai trò tri huyện, tri châu, hương trưởng và các cử súy (thủ lĩnh quân sự địa phương). 

Theo hồ sơ kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa của Bảo tàng tỉnh Thái Bình năm 2005, Bảo tàng tỉnh đã dịch và ghi chép được 25 thủ lĩnh người Thái Bình tham gia khởi binh chống quân Đông Hán dưới thời Hai Bà Trưng, trong đó nổi bật là nữ tướng Vũ Thị Thục, thường gọi là Bát Nạn tướng quân, cha là Vũ Công Chất, quê làng Phượng Lâu, huyện Bạch Hạc (nay thuộc Phú Thọ), mẹ là Hoàng Thị Mầu, quê làng An Nhân, xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà. Vũ Thị Thục dấy binh khởi nghĩa ở Tiên La, mất ngày 20 tháng 3 năm Quý Mão (năm 43). 

Sử cũ chép Trưng Trắc là cháu ngoại triệu tổ Hùng Duệ Vương, có chồng là Thi Sách - một hào trưởng bị thái thú Tô Định giết, nữ tướng Lê Chân ở Hải Phòng cùng Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục nương ở Thái Bình đều bị ép làm tỳ thiếp cho Tô Định... nên đã tạo ra sự phẫn nộ của dòng tộc Việt Mường. Bởi thế, khi Trưng Trắc vừa phát động khởi nghĩa đã được thủ lĩnh 65 thành Lĩnh Nam nhất loạt hưởng ứng, tự dụng nghĩa binh tiến đánh quan quân nhà Hán, cử hương binh (và cả dân binh) giúp Trưng Nữ. Hưởng ứng lời hiệu triệu “đền nợ nước, trả thù nhà” của Hai Bà Trưng và nữ tướng Vũ Thị Thục, một loạt yếu nữ quanh hương Đa Cương đồng loạt đứng lên nhất tề chiến đấu bảo vệ non sông. Tiêu biểu như nữ tướng Vũ Thị Môi, thường gọi là Môi Nương, cha là Vũ Sâm, mẹ là Nguyễn Thị Thường, sinh ngày 5 tháng 2 năm Tân Mùi, chồng là Trần Thông (học trò cụ Trần Thọ), quê tại làng Ứng Lôi (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) đã dẫn các con là Trần Hiển, Trần Đạo, Trần Mậu tham gia khởi nghĩa. Nguyễn Thị Ngọc, sinh ngày 15 tháng 8 (không rõ năm), quê tại làng Thưởng Duyên, cha là Nguyễn Văn Cừ, mẹ là Tô Thị Toán, dựng đồn binh chống Hán tại làng Thanh Lãng (nay thuộc xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà); chồng bà là Hùng Ngọc Minh, sinh ngày 16 tháng 1 (không rõ năm), quê Thuận An (Thuận Thành, Bắc Ninh) về tận Mê Linh ứng nghĩa. Ngọc nương hy sinh ngày 2 tháng 2 năm Nhâm Dần (42). Nguyễn Thị Long, quê làng Mỹ Lộc (xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư), cha là Nguyễn Tuấn, mẹ là Trần Thị Khương, chồng là Triệu Công Tằng cùng nghĩa nữ Trần Thị Nguyệt dấy binh đánh Tô Định. Quế Hoa, cha là Đỗ Công, mẹ là Trần Thị Hạnh, quê ở Hương Đường (xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư), sinh ngày 13 tháng 8 năm Bính Tuất, khởi binh năm Canh Tý (40), hy sinh ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Dần (42). Trần Thị Cực, tên thường gọi là Ả Cực, quê làng Từ Quán (nay là xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư), sinh ngày 13 tháng 2 năm Nhâm Thân, cha là Trần Mẫn, mẹ là Trương Thị Hằng, chồng là Nguyễn Hinh (con ông Nguyễn Thương và bà Đào Thị Hạnh), vì giặc giết chồng, năm Canh Tý (40) bà dấy quân khởi nghĩa. Đỗ Mỹ Hy và Đỗ Kim Xa, quê làng Bổng Điền (cùng họ, cùng quê bà Quế Hoa), con ông Đỗ Hùng và bà Lê Thị, thù giặc giết cha, bà dấy binh trả thù nhà, đền nợ nước. Nguyễn Thị Cẩm Hoa, quê làng Thượng Phán (xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ), sinh năm Nhâm Thân, cha là Nguyễn Hậu, mẹ là Trần Thị Đức, dấy binh tại làng Rèm (xã Thăng Long, huyện Đông Hưng), hy sinh ngày 12 tháng 8 năm Nhâm Dần. Đào Thị Phú, quê tại làng Đồng Trực, xã Quỳnh Lưu, “Bà giúp Trưng Vương đánh đuổi Tô Định, khôi phục được đất Lĩnh Nam hơn sáu mươi thành”...

Hậu Nương (họ Trần), con ông Trần Khang, mẹ là Trương Thị Quang, người làng Hạ Phán (xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ), sinh ngày 12 tháng 8 năm Giáp Thìn, giận vì giặc giết cha đã mộ 30 nghĩa binh đánh giặc, hy sinh ngày 12 tháng 11 năm Nhâm Dần (42). Trương Phương Dung, Trương Minh Xích, Trương Thuần Mỹ, không rõ tên thân phụ, thân mẫu; Trương Phương Dung là chị, sinh ngày 12 tháng 8 năm Bính Ngọ; Trương Minh Xích và Trương Thuần Mỹ là em, sinh ngày 10 tháng 2 năm Mậu Thân. Gặp thời loạn, ba chị em đến nương náu tại làng Vĩnh Niên, kết nghĩa với Trương Công Phú. Khi Trưng Nữ khởi hịch, bốn người cùng mộ quân ứng nghĩa. Thi Thị Cấp Cước, tên thường gọi Ả Nương, hay Cô Ả, là cháu gọi Thi Sách bằng bác, cha là Thi Vân, mẹ là Đào Thị Thành, quê làng Vô Hối, xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy, theo Hai Bà Trưng từ buổi đầu tụ nghĩa, hy sinh ngày 10 tháng 6 năm Nhâm Dần (42). Triệu Thị Ả, Triệu Thị Nhị (tên thường gọi là Ả Nương và Nhị Nương), cha là Triệu Công, quê Thanh Do (xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy); Triệu Công mâu thuẫn với Phủ Châu bị giết, chị em dấy binh báo thù. Lê Thị Cố, cha là Lê Phụ, quê ở Phong Châu, di cư đến làng Vàng (làng Hoàng Quan, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng), dạy học rồi vâng lệnh song thân tòng chinh, bị Mã Viện vây đánh ở Bái Thượng đã anh dũng hy sinh. Hùng Thị Kiều Hoa, sinh ngày 5 tháng 5 (không rõ năm), cha tên là Hùng, mẹ là Hoàng Thị Ngọc, anh trai là Hách Thanh (sinh ngày 10 tháng Giêng) lánh nạn Tô Định về Kinh Nhuế (xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương) rồi tụ nghĩa đánh Tô Định. Lương Thị Kiền, Lương Thị Tấu là hai chị em quê làng Hưng (nay thuộc xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng) tập hợp quân nghĩa dũng luyện tập, vì vậy sau này có bãi duyệt quân của bà, rồi kéo về Mê Linh chống giặc Hán cùng Hai Bà Trưng. Phạm Thị Xuân Dung, quê ở Thiên Thi (Hưng Yên), sau sang làng Đìa (xã Hồng An, huyện Hưng Hà) kết giao với bà Trần Thị Sang và Phạm Quân cùng về Mê Linh ứng nghĩa. Sau khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết, bà về Hà Lão (làng Hải Triều nay) hướng dẫn dân trồng dâu, nuôi tằm. Khi chết bà được dân thờ, được phong thần. Ả Lã Phương Dung họ Phạm, tướng của Hai Bà Trưng, sau khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết đã đưa 50 người về vùng Thuận Vi mở đất lập làng, dạy dân trồng lúa, trồng dâu, những người theo bà về đều lấy họ bà làm họ mình, tôn thờ bà là tổ họ, tổ nghề...

Để tưởng nhớ những trang liệt nữ hy sinh vì nước, các làng quê vùng Đa Cương xưa đã lập đền thờ các cử súy của Trưng Vương.

Quang Viện