Thứ 7, 23/11/2024, 21:17[GMT+7]

Thụy Ninh: Hiệu quả của hầm biogas trong chăn nuôi

Thứ 6, 22/09/2017 | 08:47:06
1,648 lượt xem
Những năm qua, mô hình xây dựng và sử dụng hầm biogas để lấy khí đốt ở xã Thụy Ninh (Thái Thụy) đã phát huy được hiệu quả. Qua đây đã góp phần tiết kiệm nguồn năng lượng tiêu thụ cho người dân, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gia súc trên địa bàn.

95% hộ chăn nuôi lợn ở xã Thụy Ninh xây dựng và sử dụng hầm biogas.

Thụy Ninh là xã có phong trào chăn nuôi phát triển mạnh của huyện Thái Thụy trong những năm gần đây. Toàn xã có trên 200 trang trại, gia trại, trong đó chủ yếu là chăn nuôi lợn. Trước đây, khi các mô hình chăn nuôi lợn trên địa bàn xã chưa đưa hầm biogas vào sử dụng, chất thải trong chăn nuôi làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân. Để giải quyết vấn này, nhiều hộ chăn nuôi đã xây dựng và sử dụng hầm biogas để lấy nhiên liệu đốt, giúp tiết kiệm nguồn năng lượng tiêu thụ. Tại thôn Hệ có gần 100 hộ chăn nuôi lợn sử dụng hầm biogas, trong đó nhiều hộ đã xây dựng và sử dụng hầm biogas hơn 10 năm nay. 

Anh Nguyễn Văn Bách cho biết: Khi chưa xây hầm biogas, lượng chất thải do 20 - 30 con lợn trong chuồng nuôi của gia đình gây mùi rất khó chịu ảnh hưởng đến các hộ sinh sống xung quanh. Năm 2007, khi địa phương tuyên truyền, vận động áp dụng hầm biogas trong chăn nuôi tôi đầu tư hơn 12 triệu đồng để xây dựng hầm biogas có thể tích 15m3. Qua thời gian sử dụng cho thấy hiệu quả tốt, chất thải được tận dụng thông qua hầm biogas tạo thành khí đốt phục vụ việc đun nấu và sinh hoạt giúp nhà tôi tiết kiệm được từ 300.000 - 400.000 đồng/tháng so với việc sử dụng gas bình như trước kia. Bên cạnh đó, việc sử dụng hầm biogas giúp giải quyết vấn đề về môi trường nên đã tạo điều kiện cho tôi mở rộng quy mô chăn nuôi từ 50 - 70 con lợn trong chuồng.


Hầm biogas tại gia đình anh Nguyễn Văn Bách, thôn Hệ, xã Thụy Ninh.

Cũng là một trong những hộ sử dụng hầm biogas hiệu quả trong chăn nuôi, gia đình anh Vũ Đức Khá, thôn Đoài có gia trại chăn nuôi với quy mô gần 100 con lợn. Anh Khá cho biết: Năm 2012, khi nhà nước hỗ trợ 1,2 triệu đồng cho một công trình hầm biogas tôi đã đầu tư xây dựng 2 hầm biogas, mỗi hầm 10m3, tổng chi phí hơn 20 triệu đồng. Mặc dù chi phí xây dựng đầu tiên khá lớn nhưng nếu tính lâu dài thì hiệu quả rất tốt. Trung bình mỗi tháng tiết kiệm được 300.000 đồng tiền mua chất đốt. Có hầm biogas, nhà tôi thoải mái đun nấu, không phải mua than, củi nữa. Tôi nghĩ các hộ chăn nuôi lợn có quy mô từ 10 con trở lên nên xây dựng, lắp đặt và sử dụng hầm biogas.

Từ hiệu quả kinh tế của hầm biogas mang lại nên hầu hết các hộ nuôi lợn ở xã Thụy Ninh đều đã xây dựng và đang sử dụng hầm biogas.  Hiện nay, toàn xã có gần 300 hộ chăn nuôi lợn sử dụng hầm biogas, chiếm tỷ lệ 95%. 

Theo ông Đỗ Văn Huynh, Chủ tịch UBND xã: Để phát triển ngành chăn nuôi bền vững thì vấn đề bảo vệ môi trường là hết sức quan trọng. Vì vậy, những năm qua, xã đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn xây dựng và sử dụng hầm biogas. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, xã đã phối hợp với Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, Ban Quản lý dự án Lifsap tỉnh triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ công trình khí sinh học (hầm biogas) cho các hộ chăn nuôi. Thông qua các dự án, các hộ chăn nuôi lợn được nhà nước hỗ trợ 1,2 triệu đồng/một công trình khí sinh học. Trong quá trình xây dựng và sử dụng các hộ được tham gia các lớp tập huấn về khí sinh học, hướng dẫn sử dụng, vận hành, bảo dưỡng công trình theo đúng yêu cầu của dự án. Từ sự hỗ trợ này của nhà nước đã giúp gia tăng tỷ lệ hộ chăn nuôi lợn xây dựng và sử dụng hầm biogas như hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi cũng như giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

Trần Tuấn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày