Thứ 7, 09/11/2024, 22:35[GMT+7]

Anh hùng Lao động Bùi Quang Lanh: Nhà khoa học của nông dân

Thứ 4, 28/08/2024 | 15:44:03
16,437 lượt xem
“Mình được sinh ra trên quê lúa nên phải sản xuất phân bón để giúp đỡ bà con nông dân, phục vụ quê hương” - đó là tâm niệm của Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, kỹ sư Bùi Quang Lanh, nguyên Tổng giám đốc Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển. Cả cuộc đời gắn bó với sản xuất phân bón phục vụ nông nghiệp, kỹ sư Bùi Quang Lanh còn được biết đến là “nhà sưu tập” các giải thưởng và sáng chế khoa học kỹ thuật. Ông là nhà khoa học của nông dân.

Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Bùi Quang Lanh (người bên phải) và tác giả.

Kỹ sư Bùi Quang Lanh sinh năm 1949 trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở xã Vũ Trung (Kiến Xương). Tuổi thơ của ông gắn với nhọc nhằn đồng ruộng. Ông là con cả trong gia đình có 9 anh chị em. Bố mất sớm, mẹ hay đau yếu nên Bùi Quang Lanh trở thành bờ vai chính để dìu dắt các em. Ông cũng là một trong số ít học sinh khóa đầu tiên của Trường cấp III Vũ Tiên (1965 - 1968) học giỏi đều tất cả các môn, nổi trội hơn cả là môn Toán. Từ năm 1968 - 1973, ông theo học Khoa Hóa công nghiệp và thiết bị của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngay thời điểm nhận bằng tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội loại ưu, Bùi Quang Lanh được quyền lựa chọn nhiều ưu đãi như ra nước ngoài học tiếp nghiên cứu sinh, nhiều cơ quan, đơn vị muốn nhận ông về làm việc. Khước từ những ưu ái, Bùi Quang Lanh chọn về công tác tại Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển. Với ông, đây là cơ hội để thực hiện ước mơ vận dụng kiến thức áp dụng thực tiễn, sản xuất ra những nguyên liệu, vật tư nông nghiệp tốt nhất, giá rẻ nhất, phục vụ hữu ích nhất cho nông dân, trong đó có những người nông dân quê hương Thái Bình của ông.

Vượt thử thách sưu tập giải thưởng 

Chân ướt chân ráo về làm việc ở Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển, thuận lợi thì ít, khó khăn thì nhiều. Năm tháng ấy một nửa phân lân nung chảy Văn Điển đang phải dừng sản xuất vì hệ thống xử lý khí thải không phù hợp, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật một số rời sang nơi khác làm việc. Những người ở lại đã tìm nhiều cách khắc phục vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết. “Núi” công việc khoa học kỹ thuật được lãnh đạo Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển giao cho kỹ sư trẻ Bùi Quang Lanh. 

Hôm nay, sau nửa thế kỷ, Anh hùng Lao động Bùi Quang Lanh có dịp ôn lại: Được giao nhiệm vụ khó, tôi không hề nản mà còn thấy rất vui vì được lãnh đạo tin tưởng. Nhiều đêm tôi đã không ngủ, cùng các cộng sự khảo sát, tìm hiểu thực địa rồi đưa ra các giải pháp xử lý. Và chỉ sau hai tuần nhận nhiệm vụ, tôi đã tìm ra nguyên nhân rồi trình ban giám đốc ba phương án khắc phục. Nhiều người ngỡ ngàng trước thành công ban đầu của tôi.

Thành công ban đầu tiếp sức cho kỹ sư Bùi Quang Lanh, sự tin tưởng của lãnh đạo đơn vị giao cho ông cùng nhóm cộng sự đảm nhiệm nghiên cứu, thiết kế phương án ứng dụng công nghệ trong nước cải tạo hệ thống xử lý khí thải do Trung Quốc sản xuất không chỉ cho 2 lò cao vốn trước đó phải dừng sản xuất mà hệ thống cả 4 lò cao đều phải được cải tạo. Kỹ sư Bùi Quang Lanh đã cùng các cộng sự thực hiện thành công phương án xử lý thông qua Hội đồng kỹ thuật của Tổng cục Hóa chất, mà trước đó không ít người tỏ ra nghi ngại về sự thành công. 

Chỉ sau nửa tháng thiết kế và gần một tháng thi công lắp đặt, giải pháp kỹ thuật của kỹ sư Bùi Quang Lanh và các cộng sự đã vận hành tốt ngoài sự mong đợi của lãnh đạo Công ty, tăng công suất thải khí lên 200%, cả 4 lò cao hoạt động trở lại trong sự mừng vui của lãnh đạo và người lao động. Từ thành công đó, kỹ sư trẻ Bùi Quang Lanh được nhận danh hiệu “Thanh niên sáng tạo toàn quốc”. Tiếp đó, những năm đầu thập kỷ 80, quan hệ Việt Nam với nhà sản xuất nước ngoài chưa tìm được tiếng nói chung, nước bạn đã cắt mọi nguồn viện trợ nguyên liệu, Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển phải nhập ngoại than cốc loại quặng rất tốn kém; trong khi đó, chủ trương của ngành hóa chất muốn mở rộng sản xuất phân bón. Trước tình hình khó khăn về nguyên liệu, kỹ sư Bùi Quang Lanh lại một lần nữa được giao trọng trách nghiên cứu tìm cách sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, dùng than gầy Antraxít thay than cốc, cùng lúc phải cải tiến, thay đổi tính chất thiết bị lò cao cho phù hợp với công nghệ sản xuất phân lân nung chảy Văn Điển bằng nguyên liệu than gầy Antraxít. Giải pháp kỹ thuật của kỹ sư Bùi Quang Lanh đã được đăng ký độc quyền sáng chế và triển khai áp dụng ngay vào sản xuất. Kết quả, cả 3 lò hơi của Công ty đều được cải tạo, đưa công suất tăng hơn 8 lần so với trước đó, định mức tiêu hao than của lò giảm tới xấp xỉ 70%, quan trọng hơn cả là chất lượng phân lân nung chảy tốt hơn nhiều so với trước. 

Trong “bộ sưu tập” các giải thưởng của kỹ sư Bùi Quang Lanh còn có 22 tấm bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong các năm 1981, 1986; giải nhất hội thi sáng tạo toàn quốc năm 1981; giải nhất công nghệ Vifotec năm 1998; 6 đề tài khoa học được Nhà nước cấp bằng độc quyền sáng chế và độc quyền giải pháp hữu ích giai đoạn 1990 - 2000, Huân chương Lao động hạng Ba năm 1996, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2003, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2009 và giải thưởng Nhà nước năm 2000 cho công trình “Lò cao sản xuất phân lân nung chảy bằng than Antraxít”. Sáng kiến “Nghiên cứu hệ thống thiết bị sàng rửa phân loại nguyên liệu” của kỹ sư Bùi Quang Lanh năm 2001 đã được Cục Sở hữu Công nghiệp cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích, tái sử dụng nguồn nước thải cải thiện môi trường mỗi năm làm lợi cho đơn vị hơn 2,5 tỷ đồng. 

Nông dân Thái Bình với phân lân Văn Điển 

Tôi có xuất phát điểm là con nhà nông, giỏi việc cấy, cày. Khi tốt nghiệp đại học, tôi từng khát khao mơ ước sản xuất được phân bón tốt, giá rẻ để cung ứng cho đồng ruộng của đất nước, cung ứng cho nông dân, trong đó có quê hương Thái Bình. Tôi đã trực tiếp về khảo sát đồng ruộng Thái Bình và các địa phương lân cận như Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng. Riêng đồng đất Thái Bình với hai vụ lúa và một vụ đông, tổng diện tích khoảng 200.000ha, Thái Bình lại có 80% số gia đình là nông dân, do vậy phân bón cần cho đồng ruộng là cần thiết vô cùng, vừa tăng độ phì nhiêu cho đất vừa giúp nông dân bỏ thói quen bón đạm đơn cho lúa. Khi khảo sát đồng ruộng Thái Bình, từ năm 2006 kỹ sư Bùi Quang Lanh và các cộng sự với mong muốn đầu tư về quê hương Thái Bình một nhà máy sản xuất phân lân công suất 100.000 tấn/năm, song vì nhiều lý do khác nhau mà dự án không thực hiện được, đến nay ông vẫn còn trăn trở vì dự án không thành. Kỹ sư Bùi Quang Lanh trải lòng về điều này dù ông đã nghỉ hưu nhiều năm. Ông lý giải, phân lân (NPK) Văn Điển rất phù hợp với đồng đất Thái Bình, ngay từ những năm 1990 sản phẩm NPK Văn Điển được nông dân Thái Bình ưa chuộng, các mô hình trình diễn ở các hợp tác xã, các huyện trong tỉnh trên các chân đất cả vụ xuân và vụ mùa đều cho hiệu quả so với bón đạm đơn cho lúa và cây trồng. “Nông dân sử dụng NPK Văn Điển bón cho lúa, lúa cứng cây hơn, chống đổ tốt hơn, ít sâu bệnh, lại cho năng suất vượt trội, trung bình từ 7 - 10% mỗi vụ, đặc biệt là ở các vùng đất chua trũng” - đó là khẳng định của kỹ sư Đoàn Thị Kim Tứ, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, người luôn gắn bó với đồng ruộng, gắn bó với nông dân, từng tổ chức nhiều chương trình trình diễn ở các hợp tác xã trong tỉnh giúp nông dân đầu tư ít, hiệu quả cao.

Gặp lại Anh hùng Lao động Bùi Quang Lanh ở tuổi 75, nhớ về chuyện cũ ông vẫn khiêm tốn và giản dị: “Ở đời đừng bao giờ coi mình là nhất, lúc nào cũng cảm thấy mình còn thiếu, tự tìm tòi cái bất hợp lý trong chuyên môn cũng như trong cuộc sống để có được cái của riêng mình”. Viết về Anh hùng Lao động Bùi Quang Lanh, tôi thấu hiểu ý chí và nghị lực của ông về thành công trong sự nghiệp lao động sáng tạo: “Qua sóng gió mới thấy đời là đẹp/ Qua lò nung mới thấy thép là bền”. 

Nguyễn Công Liêm

 (Thành phố Thái Bình)