Thứ 2, 18/11/2024, 06:45[GMT+7]

Ru hời êm tiếng à ơi

Thứ 4, 01/09/2010 | 10:23:27
5,248 lượt xem
Tuổi thơ ai cũng từng sống trong những lời ru êm ái của ông bà cha mẹ, đến khi trưởng thành cũng tự mình cất lên những khúc ca để ru con. Ngoài ý nghĩa ngợi khen cảnh sắc quê hương, những câu hát ru còn là nỗi niềm tâm sự, mong ước và khuyên nhủ mà người lớn muốn nhắn gửi tới trẻ nhỏ. Những câu hát tình cảm có giá trị tinh thần rất lớn đem tới cho các em giấc ngủ say, giấc mơ đẹp và cái nhìn trìu mến về cuộc sống.

Do bộn bề công việc, ở thành thị hiện nay đang ít dần những khúc hát ru, nhưng ở miền quê với đức tính hồn hậu muốn giữ gìn truyền thống, văn học truyền khẩu và những tinh hoa ngàn đời của làng nước, mọi nhà vẫn hát ru con đều đặn mỗi ngày, duy trì từ thuở lọt lòng đến khi khôn lớn. Ngoài lời hát, còn có những cánh võng đòng đưa cho em bé giấc ngủ nồng sâu.

Về cội nguồn, hát ru là một trong tổng thể các hành động dỗ dành trẻ thơ, gồm hát, rung, ấp ủ, xoa đầu, gãi lưng và cho bú để đứa trẻ cảm nhận được hơi ấm, giọng nói quen thuộc cũng như no bụng mà nín khóc, ngủ say. Lời ru thường là những khúc dân ca, mở đầu bằng các từ à ơi, ầu ơ, cái ngủ mày ngủ...: Cái ngủ mày ngủ cho lâu / Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về / Bắt được con cá rô, trê/ Cầm cổ lôi về cho cái ngủ ăn (Ca dao).

Những câu hát ru luôn có làn điệu nhẹ nhàng, tùy vùng miền như ở miền bắc là các điệu ví, cò lả, quan họ, trống quân; miền trung là hò huế, nam ai, nam bình và miền nam là lý, ca vọng cổ: Chiếu chèo ngậm tiếng hát ru / Thương câu quan họ xa mù nẻo không / Đêm nghiêng về phía nôi hồng / Xót níu võng một vùng tuổi thơ (Bất chợt tuổi thơ - P.T.M)

Tiết tấu của mỗi lời ru đều chậm rãi, tha thiết. Nhiều từ ngữ lặp đi lặp lại, nhấn nhả. Để ru trẻ hiệu quả, người ta phải hát say mê, truyền cảm cho dù giọng hát có thể không hay song là những âm thanh được cất lên từ tình yêu thương sâu sắc của ông bà cha mẹ đối với cháu con, muốn em bé có giấc ngủ ngon, vui cười, mạnh khỏe, lớn nhanh: Gió chiều nghiêng ngửa qua sông / Ca dao lắc võng tươi ròng cơn mê / Ru khan tự khúc trưa hè / Nhành xuân phơi áo bờ tre đợi người (Tự khúc tháng tư - Y Nguyên); Mỗi lần lên võng dỗ con / Mẹ ru với tiếng hát buồn ca dao / Giọng chìm nên chẳng lên cao / Vì niềm đau lắng tiếng vào đáy tim / Một tay con “bắt chim chim” / Còn tay măn vú cho mềm tiếng ru (Niềm khuya -).

Hát ru cũng không chỉ là lời nói mà còn là sự gần gũi, theo dõi, đỡ đần của người mẹ bên con, như thức khuya dậy sớm để ý tới từng miếng ăn, giấc ngủ, hoạt động của con: Ngọt ngào này mẹ hát bên nôi / Bên giấc ngủ của con, bên những bài con học / Con lớn, con vui, con cười, con khóc / Nước mắt cũng ngọt lành khi có mẹ ở bên (Ngọt ngào của mẹ - Thụy Anh).

Ở nông thôn, do đời sống nông nghiệp, những hình ảnh trong câu hát ru đều xuất phát từ những gì quen thuộc gần gũi với thôn quê. Đó là cảnh làng xóm trù phú, phong tục tập quán, lễ nghi, hoạt động sản xuất: à ơi! đưa giấc ngủ trưa / Lời ru lặng lẽ lội bừa vào… thơ/ Con tôm, con tép, quả mơ/ Cái cò, cái vạc… lượn lờ quanh nôi (Lời ru bên cánh võng - Lê Ngọc Bạch); Mẹ nhốt cánh cò vào câu dân ca / Để hát ru con trong chiều bão nổi / Chao cánh võng, ra đồng gặt vội / Sợ mưa vùi, gió giật lúa xanh bông (Cánh võng lời ru - Đoàn Văn Nghêu).


Qua câu hát, người lớn dẫn dắt trẻ đến với cả hai thế giới tự nhiên và xã hội, để trẻ làm quen dần với những điều mới lạ xung quanh, đầu tiên  là con gà, con lợn, nhà cửa, ruộng vườn, thứ đến là chuyện làng, chuyện nhà và nhiều khi là chuyện riêng tư về chính cuộc đời người thân với những vui buồn, giận dỗi, xót xa, nhọc nhằn được thể hiện một cách đáng yêu cho trẻ hiểu và cũng nhằm giải tỏa những âu lo giấu kín: Võng hè kẽo kẹt bờ trưa / Chim trốn nắng gọi nhặt thưa cuối vườn / Ve kêu rụng nắng đầu thôn / Lời ru buồn nghẹn dỗi hờn tình duyên / Ru con gởi nỗi niềm riêng (Một góc trưa - Trương Quang Nhân).


Cũng vì thế trong câu hát ru còn hàm chứa sự khắc khoải trông mong con cháu khôn lớn có thể giúp đỡ, nối tiếp những công việc mà ông bà cha mẹ chưa hoàn thiện. Khi ru con, nhìn đứa trẻ bé bỏng, không biết con có hiểu không song thấy con nhoẻn cười, con say giấc cha mẹ đều cảm thấy hạnh phúc: Người ta nói mẹ là gió xa đưa / Ru con trong giấc ngủ dài thơ mộng / Nhìn con yêu nở nụ cười mãn nguyện / Để thấy mình dầy thêm những nếp nhăn (Nói với mẹ - Trần Thị Lý).

Ngoài kể về cuộc sống, những câu hát ru cũng cho thấy những lời khuyên dạy trẻ sống giản dị, trên kính dưới nhường, thật thà tốt bụng, cần cù chịu khó, yêu cuộc sống, biết chia xẻ những nỗi nhọc nhằn của gia đình, bạn bè, xóm giềng: Mẹ ơi vằng vặc trăng rằm / Lời ru thức dậy sâu đằm nghĩa nhân / Thương người như thể thương thân / Ngọn mùng tơi níu người gần bên nhau (Hồn xưa vọng về -  Lam Hồng).

Không hiểu từ bao giờ, cùng các bài hát ru dân quê đã khéo dùng các nguyên liệu sẵn có quanh nhà như đay, gai, xơ dừa, tre, nứa… đan thành những chiếc võng mô phỏng những tấm lưới đánh cá, những con thuyền lưu giữ và chở đầy những giấc mơ làm chỗ ngủ của trẻ. Mỗi chiếc võng có vô số mắt lưới, được túm hai đầu, tạo lỗ, lồng hai mẩu tre (guốc võng), rồi buộc và quấn dây vào xà nhà, cột nhà, gốc cây.

Nhờ tư thế cong nằm trên võng lưng trẻ đỡ mỏi, giấc ngủ đến nhanh, sâu đằm. Ngoài ra nhờ mắt lưới thưa cộng với sự lúc lắc và tiếng kêu hai đầu võng lúc nào quanh trẻ cũng có luồng gió mát, âm thanh dễ chịu. Xưa kia có nhiều loại võng dành cho các thứ bậc trong xã hội, như võng đào, võng giá (màu hồng, tím) của vua quan, quý tộc và võng bố (màu xanh, nâu đen) của dân nghèo. Ngày nay các loại võng đều phổ biến dân gian và chủ yếu dành ru trẻ. Tuy vậy, những buổi nóng nực, nông dân, khách độ đường và người tha phương cũng nương vào võng nghỉ ngơi.

Để trẻ khỏi bị lật và tạo độ êm, người lớn thường lót dưới lưng em nhỏ một tấm chiếu và chèn quanh hai mạn sườn hai mảnh vải hoặc chăn gối rồi buộc túm hai thành võng, nối với một sợi dây dài cầm tay để kéo cho võng chuyển động. Khi võng đu đưa có thể rảnh tay đi làm việc và khi võng đứng lại chạy tới kéo dây. Khi trẻ đã ngủ, cha mẹ mới bế vào giường.

Mỗi lần co kéo, dây võng thường kỳ cọ vào guốc võng, thành cột phát ra những tiếng kẽo kẹt, kéo mạnh tiếng kêu rõ liên hoàn, kéo nhẹ tiếng kêu nhỏ đứt đoạn. Cũng giống lời ru, những âm thanh phát ra từ đầu võng chậm chạp, đều đều nhưng có hiệu quả rất lớn trong việc ru trẻ. Nó làm cho trẻ bình tâm, buồn ngủ, thân thể nhẹ nhõm quên đi cơn nóng sốt. Khi nghe tiếng võng, người lớn cũng thấy thanh thản, vui tươi: Kẽo cà kẽo kẹt / Tay em đưa đều / Ba gian nhà nhỏ / Đầy tiếng võng kêu…/ Em ơi cứ ngủ / Tay anh đưa đều (Tiếng võng kêu - Trần Đăng Khoa; Thuở nào nhịp võng ru đưa / Em nằm xõa tóc giữa trưa mùa hè / ơ ầu tiếng vọng êm nghe / Gió hiu hiu thổi khóm tre sau vườn (Tiếng võng trưa hè - Lưu Vĩnh Hạ).

Trẻ thơ dễ ngủ khi ở võng, song cũng có lúc mãi mới ngủ được hoặc đang ngủ bỗng giật mình tỉnh dậy khóc thét. Những lúc ấy cha mẹ phải luôn tay đu võng và hát âu yếu cho con ngủ lại. Tiếng võng và hình ảnh cánh võng chao nghiêng do đó ngoài thể hiện vẻ nhàn hạ còn là biểu tượng của sự thong thả, vô tư, nhẫn nại: Tiếng võng trong nhà kẽo kẹt đưa / Đầu thềm con chó ngủ lơ mơ/ Bóng cây lơi lả bên hàng dậu / Đêm vắng người im cảnh lặng tờ (Trăng hè - Đoàn Văn Cừ); Ta say sưa / Nghe tiếng võng đưa / Ru hồn mơ/ Trong lời thơ dân tộc / Mơ màng lắng nghe tiếng khóc / Của thời măng sữa xa xôi / à ơi a à ơi / Cót ca cót két / Muôn đời nhịp thơ/ Tiếng võng đưa / Trưa hè nóng khét / Bà ru cháu say sưa (Tiếng võng đưa - Bàng Bá Lân).

Dân quê thường ru con bằng võng quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là hè, thu khi trời còn oi bức, những mắt võng thưa sẽ tạo luồng không khí lưu chuyển dễ ngủ. Đây cũng là thời điểm trong cảnh quê có nhiều biến động, con người có nhiều tâm sự, câu chuyện để kể với em bé: Bên thềm chiếc võng nhẹ đưa / Mẹ ru bé ngủ giữa trưa mùa hè / Dịu dàng bé khép làn mi / Hồ Tây gió thoảng bay về hương sen / Thơm thơm giấc ngủ êm đềm / Chúm đôi môi đỏ, bé tìm sữa tươi / Mẹ buông dây võng ra rồi / Ngây thơ bé vẫn nhoẻn cười trong mơ (Trưa hè - Nguyễn Bính); Gió đưa cánh võng mùa thu / ánh trăng vàng, lá tre ru lưng trời / Mùa thu cánh én rạng ngời / Bay cao nhé, ước mơ thời bay cao (Cánh võng mùa thu - Phạm Thị Mai Khoa).

Nhờ không gian rộng dài, người ta có thể mắc võng khắp nơi, ở buồng khách trong nhà, gian bếp, mái hiên, mảnh sân và đặc biệt là ngoài vườn dưới những gốc cây ăn quả xum xuê. Cánh võng ru đưa trong không gian xanh tươi, thơm mát của vườn tược thực tế đã chứng tỏ là một cách giúp giấc ngủ hiệu quả và êm ái, cũng giúp trẻ tiếp xúc làm quen với hoa lá, côn trùng, chim thú và những chuyển động của thiên nhiên: Gốc bưởi cuối vườn mắc võng / Trưa nằm, ru cháu à ơi… / Giấc ngủ giữa chừng gió lộng / Thoáng mơ ngày ấy một thời (Lời ru cánh võng - Nguyễn Ngọc Chung); Võng đưa võng đưa / Hương mùa thơm ngát / Tròn xoe bóng mát / Bầu trời trong xanh / Chim hót trên cành / Ru hời trái mọng / Bồng bềnh nhịp võng / Bướm vàng bay theo (Nhịp võng đưa - Nguyễn Lãm Thắng); Trưa hè kẽo kẹt võng đưa / Khu vườn tĩnh lặng nắng vừa lên cao / Không gian nhẹ tỏa hương cau / Bưởi, cam hương thoảng, xôn xao bướm vàng (Điệu ru trưa hè - Đỗ Thị Minh Giang).

Với các em thiếu nhi, võng không chỉ là nơi ru giấc mà còn nằm nghỉ, học hành, ngắm cảnh và vui chơi. Sau bữa cơm, khi tắm mát, uống ngụm nước chè nước vối, ăn miếng bánh củ khoai các em nhỏ lại trèo lên võng đánh đu, đọc truyện, ngắm trăng và nghe người lớn kể những sự tích làng xóm, những mẩu chuyện cổ, tuồng, chèo,…: Phảng phất hương sen lúa dậy thì/ Võng hè nặng trĩu tiếng từ quy / Tóc xanh rụng vướng từng trang sách / áo trắng mơ theo mỗi học kỳ (Không đề - Bùi Quang Thiện).

Những câu hát ru, những bài văn thơ truyền miệng và những điều bổ ích rút ra từ kho tàng văn hóa dân gian, những cánh võng giàu hình ảnh ý niệm mỗi ngày đều nuôi dưỡng cho tinh thần, thể chất của trẻ, giúp các em mau lớn, thông minh, giàu trí tưởng tượng và ngôn ngữ, có năng khiếu, tâm hồn trong sáng ngoan ngoãn. ở tuổi nhỏ, biết làm những việc nhà giúp đỡ cha mẹ và khi trưởng thành tạo dựng được tương lai tươi sáng, có kinh nghiệm nuôi nấng bản thân và gia đình.

Với người già, người xa xứ trải nghiệm thăng trầm mỗi bận nghe hát ru, nhìn đu võng, càng trân trọng những giá trị cuộc sống, nhớ lại những kỷ niệm thơ ấu, những lời răn dạy, dặn dò, hình bóng tiên tổ, sống dậy không khí gia đình, không gian văn hóa cộng đồng cùng những phong tục, tập quán:  Lắng nghe em hát sông quê / Đắm say nhịp điệu mải mê câu hò / Như lời mẹ ru từng cho / Đưa con lặn lội, con đò bến sông (Dòng sông quê - Hoàng Diệu Tuyết); Em nằm trên võng đong đưa / Trong em như đổ cơn mưa đầu ngày… / Võng say hương tóc em say… / Vẳng nghe tiếng sáo từ xa xưa buồn / Đưa đưa từng chiếc lá vàng…/ Ngày xưa mẹ hát à ơi, ví dầu (Nhịp võng đưa tình - Hoàng Thị Dậu); Câu hát ru nửa đời vẫn đắm say / Vại dưa muối qua bao năm vẫn nhớ / Rặng râm bụt mùa xuân này vẫn đỏ / Bến sông xưa con gửi nhớ thương về (Nhớ sông Hồng - Trần Thị Mộng Mơ);

Tôi xa quê hương bao năm tháng qua / Nhưng trong trái tim không bao giờ xa / Lời mẹ ru con hiu hiu trưa hè / Mùa lụt nước lũ bắt cá giữa đường / Kỷ niệm yêu thương cho tôi ngày ấy (ca khúc Quê hương tuổi thơ tôi - Từ Huy).


Giống nhân dân, quân đội cũng có một số loại võng. Mỗi chặng hành quân, lúc nghỉ chân đều tìm nơi mắc võng ngả lưng, cảm tưởng như thấy hơi ấm, tình thâm, sự chở che của thân quyến, làng nước mà yên lòng chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc: Ngày anh lên đường, em trao anh chiếc võng / Võng đan múi tơ nhẹ tựa thời gian / Tơ quê ta chín bụng tằm vàng óng / Võng theo anh từng giấc ngủ núi ngàn /…Võng anh treo đầu Nam đầu Bắc / Hai hồi nhà của đất nước thương yêu / Níu về Nam sợi võng bền dằng dặc / Nhớ về em trăm múi võng đan thêu (Chiếc võng tơ em tặng -  Huy Cận);

Nằm võng mồ hôi cứ dần khô/ Mà tay thảnh thơi không cần quạt / Nằm võng một đêm chân phồng rát / Sẽ hết đau, da rắn lại chai / Ôi tuổi thơ ta nằm trên võng gai / Đi đánh Mỹ giờ ta nằm võng bạt / Xưa tiếng mẹ ru trùm lên luồng gió mát / Nay Trường Sơn tỏa bóng chở che ta (Bài thơ nằm võng - Vương Trọng).

Vì lẽ đó, tiếng ru, tiếng cọt kẹt võng đưa từ lâu lắm đã là hai âm thanh quen thuộc của làng quê và nhiều ngả đường đất nước vào những buổi chiều: Tiếng ru vỗ nhẹ êm đềm / Nhạc thưa nhịp võng nhà bên ru hờ / Dật dờ sáo nứa vu vơ/ Lim dim còn đứng ngẩn ngơ… gọi chiều (Gọi chiều - Phạm Cung); Yên bình một tiếng võng đưa / Dịu dàng cơn gió thổi trưa mùa hè / Bà ơi năm tháng nằm nghe / Con cò vỗ cánh đi về ca dao / Chênh vênh mấy bậc cầu ao / Cây tre xõa tóc cào cào đánh đu (Tiếng võng - Bình Nguyên Trang).

Cảnh cha mẹ ru con, ông bà ru cháu, cả nhà tíu tít bên cánh võng, vành nôi cũng là một nét sinh hoạt văn hóa thường nhật của các thôn xóm: Đông vui nhộn nhịp cấy trồng / Võng đay sớm tối bà bồng cháu thơ/ Mẹ ru êm tiếng ầu… ơ/ Bên đèn trang sách trẻ thơ học hành (Nét quê - Nguyễn Tiến Bình).

Bởi sức sống mạnh mẽ, vì tình yêu của người dân đối với những khúc dân ca, chắc chắn cho dù xã hội có nhiều thay đổi, những lời ru sẽ không bao giờ khô cạn và sẽ còn âm vang trong muôn không gian, trong tim mỗi người dân cùng những chiếc võng đơn sơ thủy chung nghĩa tình, đu đưa cọt kẹt là một vẻ đẹp thuần khiết, di sản vô giá của quê hương.

Chu Mạnh Cường

Ngõ 143, phường Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày