Thứ 2, 18/11/2024, 06:48[GMT+7]

Lời ru buồn

Thứ 4, 01/09/2010 | 13:52:19
2,009 lượt xem
Đã nhiều lần ao ước, nay tôi mới thực hiện được ý định về thăm quê hương Ký ức vẫn còn đó nhưng bộ mặt làng quê bây giờ thay đổi khác xưa nhiều.

Hạnh phúc. Ảnh mang tính minh họa

Làng tôi trước kia thưa thớt bóng nhà, cây cối xanh um tùm che mát đường đi. Giờ đây, lố nhố ven đường làng là những ngôi nhà chen chúc nhau. Nhà xây cao tầng có, mái ngói có, và có cả những ngôi nhà nhỏ lợp bờ rô xi măng của những đôi vợ chồng vừa mới sinh cơ lập nghiệp. Con đường làng xưa dẫm nát  dấu chân trâu, bò, giờ được thay vào là con đường dân sinh to, bằng phẳng. Nhưng nó lại như bận rộn hơn bởi những chiếc xe công nông, xe máy, xe đạp phóng qua lại vèo vèo. Duy chỉ có cây đa đầu làng vẫn còn đó, minh chứng cho bao nhiêu sự đổi thay của xóm làng.

Cối cùng thì tôi đã về đến nhà ông bà nội; nhà nội tôi vẫn y nguyên như cũ, nhà ngói, giếng khơi và có vườn cây trái sum xuê. Sau một giờ trò chuyện vui vẻ với bà nội, tôi leo lên cánh võng ngày xưa mà nội đã ru tôi, và lớn lên từ đó. Buổi trưa hè gió mát tiếng ve ngân ra rả. Ký ức về tuổi thơ trong tôi lại sống dậy.

Tôi bỗng nhớ về kỷ niệm với người bạn gái của tuổi học trò.

Tôi liền hỏi:

- Bà ơi cô Duyên nhà bác Quyên bây giờ ở nhà hay đi công tác bà nhỉ?

- Bà tôi vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa trả lời: “Vẫn ở nhà chứ đi đâu, một đàn con rồi, nhếch nhác lắm”...

- Thế nhà cô ấy bây giờ ở đâu hả bà?

- Trong xóm giáp ngũ ấy  cháu còn nhớ xóm Giáp Ngũ không?

- Có, cháu vẫn nhớ bà ạ, có lẽ cháu vào thăm cô ấy bà nhé.

- Hỏi thăm quanh co mãi tôi mới tìm đến một ngôi nhà tranh hai gian, thấp lè từ ngôi nhà được làm trên miếng đất chật chội, vừa đủ cái sân phơi và cái giếng sâu. Từ xa tôi đã nghe tiếng ru con, v   lời ru trong trẻo, ngân nga và đượm buồn làm sao. Chẳng lẽ nào ngôi nhà này, lời ru ấy lại chính là Duyên? Tôi nôn nao khi bước tới mái tranh nghèo; chợt thấy tôi Duyên  lúng túng tới mức vụng về, vội kéo vạt áo cho ngay ngắn, rồi cô vội vàng đi thu những chiếc quần, áo trẻ con rất bề bộn trên chiếc giường kê sát cửa sổ, lau vội chiếc ghế nhọ nhem, Duyên ngượng nghịu mời tôi uống nước.

- Tôi đến thăm Duyên... Lâu quá rồi!

- Vâng, lâu thật  mà anh vẫn như xưa.

- Như thế nào được, hơn mười năm rồi còn gì? Em đã con bế con bồng, đời sống gia đình em như thế nào?

- Anh nhìn thì biết  đấy; vất vả lắm anh ạ. Nhưng thôi, nói chuyện gia đình mà làm nhỉ. à mà anh được mấy cháu rồi? Vợ làm gì, quê ở đâu?

-  Tôi vẫn là “Lính phòng  không” Duyên ạ.

-  Thật không!

-  Anh không nói dối em đấy chứ?

- Lúc nào. Duyên hỏi ông bà nội tôi thì biết, tôi không nói dối Duyên đâu.

...Tôi hơn Duyên ba tuổi và học trên Duyên một lớp. Hồi đó làng tôi ít người đi học nên tôi và Duyên luôn là bạn đồng hành tới trường. Học lên cấp 3 thì tôi và Duyên không nên quan hệ tình cảm vô tư như trước nữa, mà trong tôi có một tình cảm gì đó thật lạ. Nhiều đêm trăng sáng tôi rủ Duyên đi dạo chơi. Trước lúc đi tôi dự định nói bao nhiều điều mà đến lúc ngồi bên Duyên Tôi chẳng nói được điều gì cả. Còn Duyên, có nói lên bao điều khát vọng, có ao ước sau này học xong phổ thông sẽ đi vào ngành y để được chăm sóc sức khỏe cho nhiều người; em còn ao ước có một người chồng làm công tác nghiên cứu y học để có điều kiện giúp em trong chuyên môn. Trong lòng tôi cũng khao khát có được một người vợ như Duyên.

Thế rồi cuộc sống cứ thế mà trôi đi, chúng tôi chẳng ai nói với ai một lời yêu thương nào cả. Nhưng trong ý nghĩ và hành động thì như đã có sợi dây vô hình Buộc chặt chúng tôi vào với nhau.

... Nhưng rồi cuộc sống với những biển động sau đó, khiến chúng tôi phải xa Nhau đằng đẵng cho đến tận bây giờ. Thật ra chuyện về quê lần này tôi không Có ý định nối lại mối tình đầu, nhưng trong thâm tâm tôi chẳng muốn nghĩ là Duyên đã lấy chồng... Quả thực, với tôi Duyên là cô gái trẻ, đẹp, hồn nhiên, vô tư như thời học sinh chứ không có một cô Duyên già trước tuổi, xộc xệch, tuềnh toàng, như bây giờ tôi gặp.

Đột nhiên tôi hỏi Duyên!

- Chồng em đi đâu?

- Duyên đáp giọng thoáng buồn

 “Ô Anh ấy đi lái  xe ôm trên Thành phố chiều mới về.

- Tại sao dạo đó em không học tiếp mà lại bỏ học về lấy chồng?

- Biết nói thế nào để anh hiểu được nhỉ.

Năm anh vào đại học, em vào học lớp 12. Sau đột nhiên có người đến nhà dạm hỏi tức là chồng em bây giờ ấy. Nhà anh ấy đông anh em, đất đai rộng lại khá giả nhất làng. Bố mẹ em vừa khuyên nhủ, vừa ép buộc em phải nghỉ học để lấy chồng. Cuối cùng em cũng phải chiều theo ý gia đình.

Chồng em là người ít học, được cái chăm chỉ làm ăn. Khốn nỗi đài không nghe, sách vở chả đọc, chẳng chịu thực hiện KHHGĐ nên em phải sinh đẻ nhiều, đưa nhỏ này là đứa thứ 6 đó anh ạ.

Lúa gạo làm ra bao nhiêu cũng chẳng đủ để nuôi cả gia đình 8 miệng ăn, nhiều lúc ngồi nghĩ mà buồn, các con thì chưa đứa nào đi học anh ạ. Nếu ngày đó mà em nghe anh, cố gắng học hành đến nơi đến chốn, đừng vội lấy chồng thì bây giờ đâu đến nỗi này. Bấy giờ biết anh ở phương trời nào?

Nói tới đây Duyên ngậm ngùi dừng lại; tôi chợt thấy thoáng buồn trong đôi mắt đen láy của em. Cũng lúc đó năm  sáu đứa trẻ áo quần lếch  thếch chạy về đói ăn. Duyên lúng túng giới thiệu với tôi “Con em cả đấy” rồi xua lũ tủ đi chơi. Thấy không thể ngồi lâu được trong hoàn cảnh khó xử của Duyên.

Tôi đứng dậy xin phép ra về. Duyên lặng lẽ tiễn tôi ra cổng rồi quay lại với các em.

Tôi bước nhanh trên con đường làng quen thuộc mà lòng nao nao buồn cho số phận của người bạn gái quê tôi với giọng hát lời ru buồn.

Ngọc Tuyền

(Vũ Vân -Vũ Thư)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày