Thứ 7, 23/11/2024, 22:53[GMT+7]

Nhiều tàu cá nằm bờ khi giá xăng dầu lên cao

Thứ 5, 03/03/2022 | 17:05:52
1,683 lượt xem
Ngay từ những ngày đầu năm mới, giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản của ngư dân gặp nhiều khó khăn, nhiều tàu cá nằm bờ do không đủ chi phí nhiên liệu.

Không thể ra khơi do giá nhiên liệu tăng cao, ông Nguyễn Xuân Dũng, xã Thụy Hải (Thái Thụy) tranh thủ thời gian tàu nằm bờ sửa chữa ngư cụ.

Sau một thời gian nghỉ tết Nguyên đán kết thúc mùa biển năm cũ thì bắt đầu từ mùng 4, mùng 5 tháng Giêng, ngư dân Thái Bình lại nhộn nhịp xuất bến, mở đầu cho mùa biển mới. Thông thường, cứ khoảng qua rằm tháng Giêng là thời điểm các con tàu của tỉnh nườm nượp ra khơi đánh bắt. Tuy nhiên, năm nay do giá xăng dầu tăng cao nên nhiều tàu cá vẫn im ắng nằm bờ. Sau nửa tháng nghỉ Tết, tàu cá mang số hiệu TB90077 của ông Nguyễn Xuân Dũng ở xã Thụy Hải (Thái Thụy) mới ra khơi khai thác được 2 chuyến. Giá dầu liên tục tăng cao, thu không đủ chi nên ông Dũng đành cho tàu đậu tại cảng cá Tân Sơn (Thái Thụy) hơn nửa tháng qua.

Ông Dũng cho biết: Giá dầu tăng khiến phí tổn của mỗi chuyến biển tăng cao, trong khi nhiên liệu chiếm phần lớn trong phí tổn của tàu. Với công suất 350CV, tàu của tôi khai thác trên vùng biển Thái Bình, mùa này chủ yếu khai thác tôm, bề bề. Tuy đánh bắt gần bờ, mỗi chuyến đi chỉ 2 ngày nhưng giá dầu tăng, sản lượng khai thác không ổn định đã ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập của ngư dân. Với giá dầu ở mức trên 21.000 đồng/lít như hiện nay, mỗi chuyến đi, chi phí cho nhiên liệu và tiền trả cho 2 lao động khoảng 8 – 9 triệu đồng; trong khi thu nhập chỉ khoảng 7 – 8 triệu đồng/chuyến, chưa kể khấu hao tàu thuyền, ngư cụ, mỗi chuyến đi biển chúng tôi phải bù lỗ từ 1 – 2 triệu đồng.

Cũng như ông Dũng, ông Nguyễn Văn Hưng, chủ hai tàu cá có công suất 400CV/tàu tại thị trấn Diêm Điền ra khơi từ mùng 4 Tết. Sau chuyến mở biển, đến nay hai tàu của ông Hưng vẫn nằm yên tại chỗ. Ông Hưng phân tích, hai tàu cá của ông phải thuê thêm 8 lao động với mức lương trung bình 10 triệu đồng/tháng; trước đây, khi giá dầu khoảng 12.000 đồng/lít, mỗi chuyến đi biển từ 2 – 3 ngày sau khi trừ mọi chi phí ông còn thu nhập từ 5 – 7 triệu. Hiện, giá dầu lên mức trên 21.000 đồng/lít, thu nhập của chủ tàu thậm chí không đủ trang trải cho mức chênh lệch đó. Không chỉ giá dầu cao khiến tàu không thể buông neo mà ông Hưng cũng không tìm được lao động do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với nhiều ca nhiễm, lao động của ông bị cách ly đến quá nửa chưa biết khi nào mới có thể vươn khơi. Cũng theo ông Hưng, việc các phương tiện nằm bờ đã và đang gây sức ép lớn về thu nhập lên các chủ tàu, người lao động bởi đa phần các chủ tàu để duy trì việc vươn khơi, đầu tư ngư lưới cụ… đều phải vay mượn của các ngân hàng.

Tại cảng cá Tân Sơn (Thái Thụy), nhiều tàu cá nằm bờ do giá nhiên liệu tăng cao.

Thái Bình hiện có 729 tàu cá với tổng công suất 138.588CV. Thời gian qua, hoạt động khai thác hải sản của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, tăng cường khai thác xa bờ, nâng cao hiệu quả sản xuất đồng thời đẩy mạnh việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Toàn tỉnh đã thành lập được 31 tổ đội với 352 tàu cá, 1.760 ngư dân tham gia tương trợ nhau trong hoạt động khai thác, tiêu thụ sản phẩm. Năm 2021, sản lượng khai thác hải sản đạt 92.444 tấn, đóng góp tích cực vào việc gia tăng giá trị ngành thủy sản.

Trong hoạt động khai thác hải sản thì nhiên liệu chiếm 60 - 70%, do đó, khi giá xăng dầu tăng cao, cùng với giá đầu ra hải sản không ổn định đã tạo áp lực lớn cho hoạt động khai thác của ngư dân. Để tăng thu nhập, nhiều tàu cá đã kéo dài thời gian bám biển, tăng sản lượng khai thác bằng việc đánh bắt thêm sứa, tép moi, ruốc biển… Ngư dân kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có chính sách bình ổn giá xăng, dầu; tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi để ngư dân đầu tư cải tiến phương tiện, ngư cụ... để yên tâm vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế.

Ngân Huyền