Thứ 7, 23/11/2024, 14:35[GMT+7]

Làng Thương binh -Liệt sĩ

Thứ 2, 30/08/2010 | 10:56:47
3,641 lượt xem
Cuộc kháng chiến chống Pháp đã qua đi gần 60 năm, cuộc kháng chiến chống Mỹ đã qua đi gần 40 năm, nhưng giờ đây ở làng quê Thái Phúc, Thái Thụy vẫn còn những dấu tích chiến tranh: lô cốt, tường thành bốt Cầu Sắt (Nha Xuyên), nền, tường Chùa Đồng Uyên bị máy bay Pháp bỏ bom tàn phá; kho thóc, Cầu Bông (Kỳ Nha) bị máy bay Mỹ ném bom. Còn làng mạc bị giặc Pháp, giặc Mỹ triệt hạ thì đã được xây dựng lại, chỉ còn trong ký ức của những người có mặt thời ấy còn sống đến ngày nay.

Tưởng niệm các thương binh Liệt sĩ

Một làng quê nhỏ bé, thời chiến tranh chống Pháp có trên 3 ngàn dân, chống Mỹ có trên 5 ngàn dân, bây giờ có trên 7 ngàn dân mà có tới 435 Liệt sĩ (nhiều nhất tỉnh), 145 thương binh, bởi thời đánh Pháp có hàng trăm bộ đội, du kích chiến đấu tại chỗ và ở các mặt trận quanh vùng; thời đánh Mỹ có gần 1000 bộ đội, chiếm 95% số thanh niên toàn xã đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Xã có 21 Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được lòng dân ghi tạc gọi bằng cái tên trìu mến là “Làng Mẹ Anh hùng”, thì với 435 Liệt sĩ, 145 Thương binh, sao lại không thể tri ân là “Làng thương binh - Liệt sĩ” được? Các gia đình liệt sĩ, các thương binh ở Thái Phúc, trong hòa bình nhất là thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lại vẫn gương mẫu trong mọi mặt đời sống xã hội, để các gia đình, công dân trong xã noi theo.

Hầu hết các gia đình Liệt sĩ, các Thương binh đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, vì các gia đình Liệt sĩ, những người con trai  lao động chính của gia đình đã đi chiến đấu và hy sinh, để lại người già và phụ nữ bươn chải với cuộc sống vô cùng khắc nghiệt. Các Thương binh, khi ra đi phơi phới tuổi mười tám đôi mươi căng trào sức trẻ, lúc trở về đã để lại một phần xương máu ở chiến trường, có người còn mang trong mình chất độc màu da cam, mà di chứng của nó phải tính bằng thế hệ.

Đảng, Nhà nước, nhất là cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương đã rất quan tâm. Song, trong điều kiện của đất nước, của địa phương còn khó khăn, sự quan tâm ấy cũng chỉ đỡ được phần nào. Nhưng các gia đình, những người con trung hiếu ấy đã nén đau thương, vươn lên trong cuộc sống.

Những người mẹ như mẹ Hoàng Thị Bập (Nha Xuyên), chồng bị Tây bắn chết năm 1950, một mình mẹ nuôi con; ban ngày đi làm ruộng, ban đêm tranh thủ gánh đất làm nền nhà, thắt lưng buộc bụng nuôi con, rồi con đi bộ đội hy sinh thời chống Mỹ, mẹ sống đơn côi đến bây giờ đã trên 90 tuổi. Rồi “những người con gái tuổi đời, tuổi yêu còn đang căng tràn sức sống, cưới chồng chưa kịp bén hơi chồng, tiễn chồng ra đi, để rồi vò võ một mình chăn đơn gối chiếc” đến trở thành góa bụa, vẫn đứng vững vươn lên thành những tấm gương sáng trong lao động sản xuất, trong đời sống xã hội.

 Bao tấm gương gia đình liệt sĩ, bao tấm gương thương binh đã nổi lên trong vườn hoa đầy hương sắc của làng quê. Mẹ Phạm Thị Diệp (Phúc Tiền), có chồng và hai con là Liệt sĩ. Chồng mẹ là ông Hà Đồng Hùng, năm 1951 làm trưởng thôn, bị Pháp bắt giam ở bốt Cầu Sắt gần làng. Khi bị đưa lên nhà tù Thị xã Thái Bình ông trốn về quê hoạt động, rồi bị địch bắt lại, đưa đi biệt tích, mãi đến năm 2007, mới được xác định là bị địch bắn chết, được công nhận là Liệt sĩ. Ngày 15/03/2010 mẹ Phạm Thị Diệp mới được phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Namon> anh hùng”.

Gia đình Mẹ Việt Namon> anh hùng Tăng Thị Huấn (Phúc Tiền)  mẹ của ba Liệt sĩ. Mẹ mất năm 1987; con trai cả mẹ là ông Quách Đình Đen, sau khi đi tìm được hài cốt của em trai thứ là Liệt sĩ quy tập về nghĩa trang xã, ông bị ốm chết. Bao năm nay, cháu đích tôn mẹ Huấn là ông Quách Đình Rậu, đứng ra thờ cúng bà và ba chú là Liệt sĩ, không được hưởng chế độ chính sách mà không suy tính điều gì. Cụ Ninh Văn Giám (Đồng Uyên), 88 tuổi, bố của Liệt sĩ Ninh Văn Hạnh, đã không quản tuổi già sức yếu vào tận Bình Phước, miền Nam lần tìm hài cốt, con về quy tập ở nghĩa trang xã, cũng chỉ tâm niệm với một điều là “chiến tranh thì phải có hy sinh mất mát, sự hy sinh mất mát rơi vào nhà mình, âu cũng là niềm vinh dự”.

 Anh Phạm Văn Trọng (Kỳ Nha), sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu ở mặt trận phía Nam (Trảng Bảng, Tây Ninh), để lại chiến trường cánh tay phải, trở về quê nghỉ chế độ thương binh 1/4, với biết bao khó khăn, vợ chồng anh phải từ xóm ra bờ sông kiếm sống. Lúc đầu mò cua bắt ốc, cất vó, bòn từng đồng nuôi con, về sau được xã ưu tiên phân cho phần đất bãi để làm cát sỏi. Vất vả trăm đường, nhưng với ý chí của người thương binh, người lính Cụ Hồ, anh đã kiên trì phấn đấu vươn lên thành đạt, nuôi ba con ăn học trưởng thành.

Thương binh Quách Đình Huynh (Phúc Tiền), bị thương trong trận đánh chiếm Thị xã Xuân Lộc tháng 4/1975, trên mình mang 4 vết đạn - 4 mảnh pháo, có 2 mảnh xuyên thấu não, cho đến giờ còn 1 mảnh chưa lấy ra được. Ngày về hoàn cảnh gia đình anh vô cùng khó khăn, bố mẹ mất sớm, rồi vợ cũng mất năm 37 tuổi, để lại cho anh 4 đứa con nhỏ. Với 700 ngàn đồng phụ cấp thương tật một tháng, anh gồng mình cấy gần 1 mẫu ruộng để nuôi con ăn học trưởng thành.

Dù còn thiếu thốn, khó khăn nhưng tất cả các gia đình Liệt sĩ, các Thương binh ở nơi đây không những không còn là gánh nặng cho xã hội, mà còn là những tấm gương sáng, những gia đình công dân kiểu mẫu, làm rạng rỡ quê hương Thái Phúc

Lê Vũ

Thái Phúc -Thái Thụy

  • Từ khóa