Thứ 7, 09/11/2024, 22:29[GMT+7]

Phong trào xây dựng “Xứ, Họ đạo 4 gương mẫu” ở Vũ Thư Phát triển cả bề rộng và chiều sâu

Thứ 2, 28/03/2011 | 08:04:19
2,324 lượt xem
Lúc nào cũng phấn đấu làm giàu cho mình và gia đình, đồng bào công giáo Vũ Thư - Thái Bình luôn ghi nhớ lời dạy của chúa Kitô “Yêu người như mình ta vậy”, hăng hái tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ nhau về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất để cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Các xứ, họ còn thành lập cả quỹ nhân đạo, từ thiện.

Đêm noel. Ảnh: Thành Tâm

Đồng bào giáo dân ở Vũ Thư chủ yếu theo đạo Công giáo, tuy không đông (14 nghìn người) nhưng luôn kính Chúa, yêu nước, cần cù lao động, sống “Tốt đời, đẹp đạo”, gương mẫu: Lao động sản xuất; chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; xây dựng nếp sống văn hóa; tích cực tham gia sinh hoạt tại các đoàn thể của địa phương để phong trào xây dựng “Xứ, Họ đạo 4 gương mẫu” phát triển cả bề rộng và chiều sâu.

 

Ở nơi cửa ngõ phía Tây của tỉnh, thu nhập của đồng bào giáo dân chủ yếu dựa vào cây lúa, rau màu, chăn nuôi và làm dịch vụ nhỏ. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy Vũ Thư về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các gia đình giáo dân đã tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, đưa giống lúa năng suất cao, lúa đặc sản hàng hóa vào thâm canh; mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây cảnh, hoa màu và cây ăn quả đạt giá trị kinh tế cao; xây dựng mô hình gia trại, trang trại.

 

Điển hình cho những giáo dân làm kinh tế giỏi là ông Bùi Văn Bào (họ giáo Phú Hậu), ông Trần Văn Thành và Trần Ngọc Oanh (Xứ Thuận Nghiệp), anh Trần Xuân Phượng (Xứ Bồng Tiên)... mỗi năm thu nhập từ cây cảnh, chăn nuôi hàng trăm triệu đồng. Đời sống đã có phần no ấm, nhưng để làm giàu và giải quyết việc làm cho nhiều người, các xứ, họ giáo một mặt duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống của địa phương, mặc khác du nhập thêm nhiều nghề mới về làm; phát triển các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và làm dịch vụ buôn bán nhỏ hoặc vận tải hành khách.

 

Đến nay, Vũ Thư đã có nhiều làng nghề nổi tiếng trong và ngoài tỉnh như: làng nghề mộc- Xứ Hoàng Xá (Nguyên Xá), không chỉ tạo ra những sản phẩm gỗ chất lượng cao được người tiêu dùng ưa chuộng, còn đóng được chiếc trống to nhất cả nước, có một đội trống phục vụ các lễ hội lớn của huyện, của tỉnh, như: Lễ hội Đền Trần, Lễ hội văn hóa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng... Hay trở thành những đầu mối thu mua hoa hòe của cả huyện, như Xứ Thuận Nghiệp, Bách Thuận. Bà con giáo dân ở đây cũng tận dụng cả cơ hội làm giàu từ việc cho con em đi xuất khẩu lao động, có nhà 3- 4 người đi, mỗi năm gửi về cho gia đình hàng trăm triệu đồng, góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình và dòng họ.

 

Lúc nào cũng phấn đấu làm giàu cho mình và gia đình, đồng bào công giáo Vũ Thư  luôn ghi nhớ lời dạy của chúa Kitô “Yêu người như mình ta vậy”,  hăng hái tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ nhau về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất để cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Các xứ, họ còn thành lập cả quỹ nhân đạo, từ thiện.

 

Năm 2010, toàn huyện có 19 xứ, họ đăng ký xây dựng xứ, họ không có tai tệ nạn xã hội và người nghiện ma túy. Hàng tháng, Ban An ninh, MTTQ các xã cùng Ban trùm giáo xứ đi kiểm tra nhắc nhở, động viên từng hộ giáo dân làm tốt những điều đã cam kết.

 

Trong từng việc làm, mọi ý nghĩ, giáo dân đều nghe theo lời Chúa Kitô, song vẫn coi nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc là thiêng liêng, vì vậy, những bậc làm cha mẹ luôn động viên con em mình hăng hái lên đường nhập ngũ. Các vị chức sắc, chức việc thông qua các buổi lễ, các lớp giáo lý hôn nhân vận động giáo dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, pháp lệnh dân số...

 

Năm 2010, có 15 họ giáo không có người sinh con thứ 3 trở lên, có 5 họ giáo 10 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên. Tất cả 49 xứ, họ giáo đều đăng ký nội dung, quy mô, hình thức tổ chức nghi lễ tôn giáo với chính quyền địa phương; thông báo hoặc xin phép chính quyền trước khi sửa chữa nâng cấp nơi thờ tự; các ngày lễ trọng, lễ tạ ơn... được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, bảo đảm an ninh trật tự. 

 

Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa của đồng bào công giáo Vũ Thư  năm qua đạt nhiều tiến bộ. Những hủ tục lạc hậu bị xóa bỏ, các vị linh mục không làm bí tích hôn phối cho những đôi nam nữ chưa đủ tuổi kết hôn nên tình trạng cưới tảo hôn không còn. Đám cưới, đám tang và lễ hội được tổ chức trang nghiêm, vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm.

 

Hoạt động văn hóa, văn nghệ thu hút ngày càng nhiều giáo dân tham gia, một số xứ, họ còn được UBND tỉnh, UBND huyện Vũ Thư khen thưởng. Số học sinh là con em giáo dân thi đỗ tốt nghiệp và đỗ ĐH, CĐ năm sau cao hơn năm trước, nhiều hộ có 2- 3 con học đại học. Một số xứ, họ tự mở các lớp nâng cao, dạy ngoại ngữ cho con em, như: Giáo xứ An Châu, duy trì 5 lớp học miễn phí cho 160 cháu là con em giáo dân và con em không có đạo. Để giữ cho môi trường xanh- sạch, đẹp, các xứ, họ vận động giáo dân góp sức người, sức của tu sửa nơi thờ tự, trồng cây xanh trong khuôn viên nhà thờ, bê tông hóa đường làng, ngõ xóm, trị giá hàng trăm triệu đồng.

 

Ba năm qua, huyện Vũ Thư có 51 lượt xứ, họ giáo được công nhận “ứ, họ đạo 4 gương mẫu”, trong đó, 19 xứ, họ đạt 1-2 năm, 12 xứ, họ đạt 3 năm liền.  Kết quả này sẽ tạo thêm động lực để đồng bào công giáo tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng “Xứ, Họ đạo 4 gương mẫu”, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho giáo dân, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Vũ Thư ngày càng giàu đẹp.

 

Đỗ Hiền

  • Từ khóa