Thứ 7, 23/11/2024, 14:02[GMT+7]

Một con người bất tử

Thứ 2, 17/07/2017 | 09:05:41
1,711 lượt xem
Liệt sĩ Phan Hữu Đỗ ra đi đã 64 mùa xuân, đoạn đời làm cách mạng của anh chưa đầy chục năm nhưng thành tích và chiến công của người bí thư chi bộ công khai đầu tiên của xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) thật vẻ vang, sáng chói.

Đình Phương Cáp (xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư). Ảnh: Hà Phương

Là người con duy nhất sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư. Cha anh, cụ Phan Hữu Lạc quanh năm mình trần đóng khố làm canh điền cho hết địa chủ này đến cường hào khác. Giai đoạn 1930 - 1931, tuy mới 9, 10 tuổi anh được thầy dạy chữ là cụ đồ Đặng Đức Khúc dạy học ở làng Đoan Túc đem tư tưởng cách mạng của Chi bộ Trường Tư thục Minh Thành về giác ngộ giáo dục, lòng người thiếu niên ấy đã rung cảm mãnh liệt, anh nhận thấy mất nước, làm nô lệ, đói nghèo là điều nhục nhã, vậy là phía trước anh chỉ có một con đường duy nhất - làm cách mạng.

May thay, làng Phương Cáp có ông Nguyễn Bích Ngọc (tức đồng chí Tùng Giang) đang làm Trưởng ban Cán sự tỉnh Nam Định, năm 39, 40 hay về quê giác ngộ cách mạng cho lớp thanh niên, học sinh. Thế là Phan Hữu Đỗ cùng các bạn trang lứa như Bùi Công Vực, Nguyễn Văn Hoa, Đinh Văn Lượng, Đặng Đức Ảnh, Phạm Thị Phấn... được trang bị vũ khí mới là tư tưởng, ý chí, tinh thần cách mạng. Bằng bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, niềm tin kích thích chí trai, anh Đỗ lao vào công tác hăng say, bất chấp gian khổ, hiểm nguy. Tháng 7/1943, cùng với các đồng chí: Luyện, Khuông, Trâm, Chi, Sửu, Khả, Ảnh, anh được kết nạp vào lực lượng Việt Minh của xã.

Càng gần đến ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền càng nhiều ác liệt, gian nan - anh nghĩ vậy. Là người con trai độc nhất, muốn được thoát ly gia đình đi kháng chiến chỉ còn cách lấy vợ và anh đã lấy được chị Nguyễn Thị Chuốt (con gái cụ Nguyễn Hữu Viết là đảng viên, gia đình cơ sở) nết na, hiền thảo thay anh tăng gia sản xuất, chăm sóc cha mẹ già. Tạo được điều kiện cho mình rồi, Phan Hữu Đỗ cùng các hội viên mặt trận Việt Minh ngày đêm đi hoạt động: khi lãnh đạo, tổ chức quần chúng mít tinh biểu tình đòi giảm thuế đinh, thuế điền, cấm nhà giàu mua chứa thóc cho vay nặng lãi khi rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, treo cờ kêu gọi nhân dân đứng lên đánh Pháp đuổi Nhật, chống giặc đói, giặc dốt, bài trừ mê tín, xây dựng xóm làng sạch đẹp... Có vóc người cao gầy, da trắng và đôi mắt cương nghị, anh thường mặc bộ quần áo vải gụ hoặc nâu, cái túi dệt vải đen đựng tài liệu luôn đeo bên người. Đầu trần, chân đất mà đêm ngày, sớm tối anh bước đi thoăn thoắt từ xóm này sang thôn nọ, cả tổng Cự Lâm không mấy người là không quen biết anh. Một vinh dự lớn đến với Phan Hữu Đỗ: tháng 2/1948 anh được kết nạp vào Đảng và qua hai năm tiền phong, gương mẫu trong mọi mặt công tác anh được bầu vào Ban cán bộ Mặt trận kiêm Bí thư nông dân xã Hiệp Hòa.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền non trẻ của Nhà nước Trung ương và Thái Bình đương đầu với vô vàn thử thách, gay go. Giặc Pháp dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, bọn cường hào, phản động ngóc đầu dậy, nạn đói, giặc dốt, bệnh dịch hoành hành. Xã Hiệp Hòa cũng nằm trong tình trạng đó. Là bí thư chi bộ, việc trước hết là anh chủ trương củng cố đi đôi với phát triển đội ngũ đảng viên, ở các tổ chức như: nông dân cứu quốc, thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc... Ở tổ chức đoàn thể nào anh cũng bố trí các đảng viên năng nổ, tích cực phụ trách. Chính vì vậy mà tổ đổi công hợp tác hóa được duy trì (phong trào này có từ năm 1947) và củng cố phong trào bình dân học vụ, mua công trái kháng chiến, sạch làng tốt ruộng và đặc biệt phong trào tòng quân giết giặc, đi dân công hỏa tuyến của xã đều đạt thành tích cao, nhiều lần được đồng chí Giang Đức Tuệ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Thư Trì, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng biểu dương.

Cuộc kháng chiến kiến quốc ngày càng gay go, ác liệt, vai trò bí thư chi bộ công khai đầu tiên của xã càng nặng nề hơn bao giờ hết. Người cha - cụ Lạc không qua khỏi nạn đói, nạn dịch để lại cho anh mẹ già ốm yếu, người vợ trẻ và hai con: trai 8 tuổi, gái 5 tuổi. Sau này, ông Nguyễn Văn Thuận là giao thông viên kể lại: Anh Đỗ nhịn đói rất tài, dân Phương Tảo, An Để tiếp tế cho thì anh chỉ ăn ngô, khoai luộc, còn nắm cơm thì đêm đem về cho các con, tôi cũng được nhiều lần anh san sẻ cơm cho ăn.

Nằm ở phía Bắc huyện Thư Trì, từ tháng 3/1950, xã Hiệp Hòa cùng hai xã Minh Lãng, Song Lãng là vùng tự do (không chịu tề). Nằm dọc trục đường 223, nơi đây có cơ sở đảng vững mạnh, chính quyền và lực lượng dân quân du kích mạnh nên Huyện ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Thư Trì chọn làm căn cứ du kích, làng kháng chiến. Thấy được tầm quan trọng của địa bàn, quyết tâm của cấp trên, bí thư Đỗ cùng các tổ chức mặt trận lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất vừa chiến đấu. Lực lượng vũ trang luyện tập ngày đêm, đào hầm hào, công sự, thảo luận phương án hiệp đồng chiến đấu cùng các xã bạn, các tổ chức khác chuẩn bị lương thực, thuốc men, địa điểm cho dân tản cư. Tuy nhiên, anh không quên chỉ đạo sát sao công tác địch vận, chống đi lính, làm tay sai cho giặc. Việc gây dựng cơ sở, nuôi giấu cán bộ, bộ đội được anh chú trọng nên cả xã có 62 gia đình cơ sở chứa được 550 người.

Để có kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy, tiêu hao quấy rối hàng ngũ địch, lấy được nhiều vũ khí trang bị cho ta, Phan Hữu Đỗ chủ động xin ý kiến ban vũ trang huyện, được cấp trên đồng ý, anh lãnh đạo lực lượng vũ trang xã kết hợp với du kích các xã bạn bao vây tiến đánh đồn Thanh Hương, bốt Rống, bốt La Uyên, bốt Ô Mễ... Sau mỗi trận chống càn ở xóm Hạnh Phúc, chợ Cáp, thôn Hoa Quán, anh chỉ đạo cho đội vũ trang rút kinh nghiệm kịp thời và chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến đấu tiếp sau. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, đứng đầu là Phan Hữu Đỗ, đội du kích vũ trang xã ngày một đông lên, cuối năm 1952 đã có 136 nam, 52 nữ, một đội bạch đầu quân, vũ khí có 9 súng trường, 200 quả mìn, 65 mã tấu cùng hàng trăm bàn chông.

Vào một đêm trung tuần tháng 9/1953, những cơn gió heo may đầu mùa tràn về khiến trời se lạnh, kéo tấm chăn chiên mỏng đắp cho hai con ngủ xong, anh Đỗ lại bàn chỗ người vợ trẻ đang ngồi tập viết, làm tính. Đêm nay anh định giảng giải cho chị hiểu chủ trương giảm tô, cải cách của Đảng, về ý đồ đánh lớn của ta ở mặt trận Điện Biên sắp tới. Vừa đứng lên lấy tập tài liệu thì đồng chí liên lạc viên đẩy cửa bước vào:

- Thưa đồng chí bí thư, có giấy của Huyện ủy triệu tập anh. Ngay đêm nay, trước hai giờ sáng anh có mặt ở thôn R để nhận nhiệm vụ mới.

- Đồng chí liên lạc viên chào rồi đi khiến anh bồn chồn lo lắng. Lúa ngoài đồng chín rộ mà địch ở bốt Mỹ Lộc bắn pháo suốt ngày không cho bà con ra gặt, việc cử anh Khúc, anh Vinh đem đơn sang bốt Rống đấu tranh buộc chúng phải để ta cắm kè, đắp đê Đức Hiệp kết quả ra sao? Mình đi rồi, ai thay lên lớp giảng bài cho thanh niên xã tề đến xã mình học tập?... Bất giác anh quay lại đặt hai bàn tay lên đôi vai gầy của vợ, nói:

- Mẹ Đễ (tên con trai) hiểu cho tôi. Tôi được lên huyện công tác nhưng sẽ xin về hoạt động ở vùng ta, mình ở nhà đi sản xuất với tổ đội công cho đều, tập đọc nhiều chữ in. Chú ý gió máy dễ làm con Huệ ho đấy. Cho tôi gửi lời chào mẹ nhé!

Cố giấu đi những giọt nước mắt, chị Chuốt quàng quai túi tài liệu lên vai và cài chặt chiếc cúc nơi ngực chồng, lặng lẽ tiễn anh đến cổng đình Cáp. Chị ngờ đâu, lần đầu tiễn anh đi làm cách mạng cũng là lần cuối xa chồng.

Cay cú vì đại bại trong trận càn Trái Quýt ở phía Nam tỉnh; căm tức vì mấy xã phía Bắc không chịu lập tề mà trở thành làng kháng chiến, căn cứ du kích, địch tập trung lực lượng bao vây càn quét, đánh phá quê hương anh vô cùng ác liệt. Có ngày từ bốt Mỹ Lộc binh lính càn vào xã đến 2 - 3 lần, đi đến đâu chúng đốt nhà, cướp của, hãm hiếp, bắt người vào lính đến đó. Đêm ngày máy bay oanh tạc, pháo từ các đồn bốt bắn phá không ngớt đến nỗi chùa Hội, nhà thờ Tân Mỹ, đình Đức Hiệp... cũng đổ nát tan hoang.

Một ngày đầu xuân, tôi đến thăm ông Lê Anh Dân, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh là đồng niên, đồng hương, đồng chí và cùng cơ quan Huyện ủy với anh Đỗ. Theo nguyện vọng của tôi, ông kể:

- Thấy rõ âm mưu, dã tâm của địch, Huyện ủy và cán bộ huyện họp bàn với ban chỉ huy các xã Hiệp Hòa, Song Lãng bàn cách chủ động chống càn, đánh địch bảo vệ khu căn cứ. Đúng dự kiến, quân Pháp ở Thái Bình tập trung 5 tiểu đoàn cơ động trong đó có 3 tiểu đoàn Âu Phi, có đủ tàu chiến, máy bay, pháo binh yểm trợ chia làm 4 mũi tiến quân; mờ sáng ngày 20/12/1953 đã vây chặt 3 xã từ bốn phía; cho máy bay thả bom, gọi pháo từ Nam Định, thị xã Thái Bình, Đình Thượng (Duyên Hà) bắn về tới tấp. Ngớt đợt pháo dọn đường, quân giặc ào vào làng, đi tới đâu chúng đốt nhà, cướp của, hãm hiếp phụ nữ tới đó. Mặc dù quân giặc đông, không có bộ đội chủ lực kết hợp nhưng các đội du kích đã chủ động đánh địch hết sức dũng cảm ngoan cường. Trận ấy ta đã tiêu hao nhiều sinh lực địch, phá vỡ ý đồ “bình định”, “tìm diệt” của chúng, buộc chúng phải thay đổi chiến thuật.

Kể đến đây dừng lại, ông Dân ngụm một hớp chè thơm để xấp giọng, bằng cảm xúc nhớ bạn, ông kể tiếp:

- Tôi được Huyện ủy cử về tham gia chỉ đạo chiến đấu ở ba xã trên, còn địa bàn chỉ đạo của anh Đỗ là xã Tiền Phong. Sau cuộc họp ở huyện ra về anh cứ khẩn khoản:

- “Ông” đổi cho mình, địa bàn ba xã này mình thông thuộc lắm. Vì là “thổ dân” nên mình nắm chắc cơ sở, lực lượng hơn “ông”.

Nghe anh nói có lý và để tạo điều kiện cho bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ, lập công, tôi đồng ý quay về tham gia chống càn ở xã Tiền Phong.

Cuộc chiến đấu không cân sức ngày càng diễn ra quyết liệt, địch liên tiếp tăng dần lực lượng mở nhiều lần trận càn quét. Quân, dân ta kiên trì bám làng, mưu trí, quả cảm diệt thù, anh Phan Hữu Đỗ lúc ẩn lúc hiện bám sát đội du kích xã Minh Lãng cùng các đồng chí lãnh đạo chỉ huy ở đây đề ra các phương án đánh địch tối ưu nhất. Vòng vây của giặc khép dần, anh phải xuống hầm bí mật ẩn náu và thật không may giặc đã tìm thấy được nắp hầm của anh. Một cụ lão nông ở thôn Giai nhìn thấy, sau này kể lại với mọi người: “Từ hầm bước lên, ông cán bộ rất bình thản trước 5 - 6 thằng cả tây cả ngụy súng ống đầy người. Theo lệnh của tên quan hai Pháp, thằng thông ngôn đưa cuốc cho ông cán bộ nói như ra lệnh:

- Tìm mục tiêu Việt Minh (ý nói tự cuốc hầm tìm đồng đội).

Trong phút giây giáp mặt với kẻ thù, tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc”, nhờ can đảm, bình tĩnh, một ý nghĩ lóe lên trong đầu anh: Không thể làm tay sai cho giặc, thà chết vinh còn hơn sống nhục, lòng căm thù sục sôi kẻ cướp nước và lũ tay sai, bất ngờ anh giằng lấy cuốc giơ cao bổ liên tiếp hai nhát xuống đầu, vai hai tên sĩ quan Pháp và thét to:

- Mục tiêu của tao đây!

Cùng lúc đó ba họng súng đen ngòm chĩa vào người anh nhả đạn. Anh chới với lùi lại vài bước tựa lưng vào đống rơm tắt thở.

Phan Hữu Đỗ hy sinh ở tuổi 29 song chí khí cách mạng, hình ảnh lẫm liệt, hành động quả cảm anh hùng của anh thì còn mãi mãi với các thế hệ người dân quê hương. Người cán bộ trung kiên, bất khuất của Đảng, của dân ấy chắc mãn nguyện lắm khi ngày nay quê hương anh đã thực sự no ấm, đổi mới từng ngày, đã được Bác Hồ về thăm và người mẹ của anh đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý: Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Đức Nhị