Má hồng nơi chiến tuyến
Đầu năm 1966, nhận chỉ thị của trung ương, tỉnh Thái Bình tuyển chọn 100 nữ thanh niên ở bốn huyện, thị xã là Đông Quan (nay là Đông Hưng), Thư Trì, Vũ Tiên (nay là Vũ Thư) và thị xã Thái Bình (nay là thành phố Thái Bình), những nữ thanh niên đầu tiên của tỉnh gia nhập quân đội, tăng cường cho Quân khu Tây Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế trên đất nước triệu voi.
Mùa xuân năm 1966, 100 cô gái tập trung tại sân vận động xã Minh Khai (Vũ Thư) nô nức lên đường tòng quân bảo vệ Tổ quốc. Xúng xính trong bộ quân phục màu xanh lá cây, quân hàm đỏ, mũ cối đeo sao như bao chị em khác, mặc dù “cứng” tuổi trong đoàn quân nhưng chị Quản Thị Đóa, quê xã Phúc Thành (Vũ Thư) vẫn không cầm được nước mắt khi chia tay gia đình, bạn bè và người thân. Nhìn mẹ già tóc bạc, da mồi, lưng còng tiễn con lên đường, chị gượng cười hứa với mẹ sẽ làm tròn bổn phận của người con đối với quê hương, đất nước, đánh tan giặc Mỹ sẽ trở về bên mẹ. Các chị được bổ sung cho Quân khu Tây Bắc làm nhiệm vụ thông tin, văn thư bảo mật, quân y và hậu cần. Một số chị được chọn sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế.
Cựu chiến binh Quản Thị Đóa nay đã vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn nhớ như in kỷ niệm trốn gia đình đi khám tuyển quân sự. Thời điểm đó trai tráng trong làng, trong xã cùng trang lứa đã đi bộ đội hết, còn lại ở nhà lao động sản xuất và tham gia dân quân, tự vệ chỉ toàn chị em. Làng vắng bóng nam nhi cũng thấy buồn và chống chếnh. Không chịu thua cánh nam giới, đang thời điểm mùa màng, chị Đóa bỏ việc cấy lúa, bí mật một mình băng đồng đi bộ từ xã Phúc Thành qua hai xã Tân Hòa, Minh Lãng sang xã Minh Khai để tuyển quân. Kết quả chị đạt loại A1, trúng tuyển. Cầm tờ giấy trúng tuyển trong tay chị vui sướng muốn hét lên thật to...
Nhẹ nhàng mà sâu lắng, cựu chiến binh Nguyễn Thị Ngọt, quê làng Thụy Bình, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư năm ấy tuổi chưa tròn 17, người mảnh khảnh nhưng cũng không chịu thua chị, kém em. Chị cùng mấy người bạn gái trong làng nghe tin có đoàn quân sự về xã Minh Khai tuyển nữ quân nhân đi phục vụ chiến đấu, đêm trăng sáng chị cùng mấy người bạn ra giếng nước chùa làng múc ánh trăng soi để làm lễ hẹn thề, quyết tâm “đi lính” bằng được. Biết mình không đủ cân nên trước khi vào phòng khám sức khỏe chị Ngọt cố ăn hết một cái bánh mì 0,5kg rồi uống nước cho đầy bụng, cài thêm chùm chìa khóa to và nặng vào cạp quần để đủ cân trúng tuyển.
Còn cựu chiến binh Hồ Thị Hoa, quê xã Việt Thuận (Vũ Thư) không cần phải tìm cách tăng cân bởi chị vốn là trung đội trưởng dân quân xã, sở hữu chiều cao lý tưởng 1,7m khi đang học cấp 3, được bà con trong làng gọi đùa là “hoa hậu”. Đến phòng khám tuyển sức khỏe chị đạt loại A1 luôn…
Đóng quân ở Tây Bắc, các chị lần lượt hành quân qua Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu đến Điện Biên và vùng biên giới giáp nước bạn Lào. Khi mới đặt chân đến Tây Bắc, các chị được lớp đàn anh đi trước truyền cho câu ca “Nước Sơn La, ma Hòa Bình” để hiểu được nỗi vất vả, khó khăn của người lính đóng quân trong rừng sâu, nước độc. Khó khăn, gian khổ không làm các chị sờn lòng mà ngược lại càng tôi luyện thêm ý chí chiến đấu cho các nữ quân nhân. Những mái tóc đen dài của thiếu nữ chỉ sau một tuần tắm nước suối Sơn La bỗng dưng rụng trút như lá mùa thu. Lấy mặt nước suối làm gương soi, ai nấy đều giật mình khi thấy mái tóc đen dài chấm lưng thon không còn, đổi lại là gương mặt tái xanh vì “ngã nước”. Tóc rụng hết trơ cả da đầu khiến mọi người nhớ đến câu thơ trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng: “Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc…”.
Sau thất bại mùa khô 1965 - 1966, giặc Mỹ huy động 6 tiểu đoàn chủ lực đánh chiếm Nặm Bạc, căn cứ quân sự trọng yếu và là vùng đất có vị trí quan trọng thuộc tỉnh Luông Pha Băng ở Bắc Lào nhằm biến nơi đây thành căn cứ chiến lược của Mỹ ở Đông Dương. Nằm sâu trong vùng giải phóng của Lào, Nặm Bạc là phòng tuyến bảo vệ Luông Pha Băng, chiếm được Nặm Bạc giặc Mỹ tăng cường chi viện, mở rộng và phát triển vùng hoạt động của bọn phỉ nhằm thu hẹp vùng giải phóng thượng Lào của cách mạng Lào đồng thời uy hiếp hậu phương Tây Bắc của quân đội Việt Nam. Cuối năm 1967, tuy đã bị tiêu diệt một lực lượng quan trọng nhưng bọn phản động phái hữu Lào vẫn cố gắng tăng quân, biến Nặm Bạc thành khu vực phòng thủ mạnh với lực lượng chủ lực chiếm tới 1/3 lực lượng cơ động của chúng trên chiến trường Lào.
100 nữ quân nhân của Thái Bình được điều động về các đơn vị tham gia chiến đấu, nhiều chị được bổ sung cho các đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế chiến đấu trên đất nước triệu voi. Chị Quản Thị Đóa và chị Hồ Thị Hoa nằm trong số nữ quân nhân sang Lào phục vụ chiến đấu. Hành quân vượt núi, băng rừng, các chị đặt chân đến Luông Pha Băng là tham gia chiến dịch ngay. Chị Đóa làm nhiệm vụ thông tin hữu tuyến, chị Hoa làm nhiệm vụ văn thư bảo mật. Mười lăm ngày đêm “quần nhau với giặc”, chiến dịch tiến công Nặm Bạc của liên quân Lào - Việt đã giành thắng lợi. Quân đội ta đã hoàn thành nhiệm vụ Quân ủy Trung ương giao, giải phóng hoàn toàn Nặm Bạc - Khăm Đeng, một khu vực rộng lớn với trên một vạn dân nối liền vùng giải phóng bốn tỉnh Bắc Lào với vùng giải phóng sáu tỉnh thượng Lào thành một khu vực liên hoàn, giúp hậu phương cách mạng Lào thêm vững chắc.
Cựu chiến binh Quản Thị Đóa, nguyên Trung đội trưởng thông tin hữu tuyến, Quân khu Tây Bắc Khoảng cuối năm 1966, Thái Bình mở một đợt tuyển quân đặc biệt, tuyển chọn 100 nữ quân nhân thuộc các huyện Đông Quan, Vũ Tiên, Thư Trì và thị xã Thái Bình biên chế vào Quân khu Tây Bắc làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu. Những nữ quân nhân được tuyển chọn đều có chiều cao từ 1,6m trở lên. Vào quân ngũ, chị em chúng tôi được cử đi học các lớp báo vụ, thông tin, hậu cần, quân y… rồi được điều về các đơn vị quân đội. Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi là được chọn cử sang Lào tham gia chiến dịch Nặm Bạc. Sang chiến đấu ở nước bạn là một thử thách lớn đối với các chiến sĩ nữ chúng tôi nhưng chúng tôi đã vượt qua gian lao, cùng các bạn Lào chiến đấu và chiến thắng trở về. Cựu chiến binh Nguyễn Thị Ngọt, nguyên chiến sĩ thông tin vô tuyến C2, D26, Quân khu Tây Bắc Chúng tôi vinh dự được thay mặt cho hàng nghìn nữ thanh niên các huyện Đông Quan, Thư Trì, Vũ Tiên và thị xã Thái Bình đầu tiên đi bộ đội phục vụ chiến đấu ở các chiến trường nóng bỏng. Chúng tôi cũng không thể quên được những kỷ niệm “tóc chị rụng dần, chân em lở loét mà lòng phơi phới niềm tin ra trận” sát cánh cùng cánh mày râu. Chúng tôi trưởng thành trong quân ngũ, gian khổ và vô tư. Có chị là đài trưởng thông tin giỏi phụ trách mấy chiến trường C và K, có chị là báo vụ giỏi thi thố tài năng với nam giới… Nổi bật trong chiến dịch Nặm Bạc là gương chiến đấu của các chị: Quản Thị Đóa, Hồ Thị Hoa, Tô Thị Hạnh, Trần Thị Chúc, Phạm Thị Chiến… Chị Hồ Thị Hoa là văn thư bảo mật đã có hành động dũng cảm bảo vệ tài liệu quân sự bằng cách cho vào túi nilon quấn chặt tài liệu quanh mình rồi nhảy xuống dòng nước xiết bơi về phía Việt Nam, quyết không để tài liệu rơi vào tay bọn phỉ. Có chị còn theo đơn vị chiến đấu vào sâu trong Xiêng Khoảng, cánh đồng Chum… Cựu chiến binh Hồ Thị Hoa, nguyên chiến sĩ văn thư bảo mật Tiểu đoàn 626, Đoàn 959, Quân khu Tây Bắc Những địa danh gắn với những chiến công và kỷ niệm về một thời oanh liệt chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên nước bạn Lào trong tâm khảm chúng tôi vẫn khắc ghi như sân bay Nặm Bạc, những khu phỉ Pa Mao và Phu Thoong Chòm Văn, Giang Tơi, Moốc Phúc, Ta Mao luôn làm cho chúng tôi tự hào về một thời liệt oanh chống Mỹ cứu nước. Giờ đã tuổi xế chiều nhưng các nữ cựu chiến binh chúng tôi vẫn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục con cháu trưởng thành đồng thời thường xuyên thăm hỏi, động viên đồng đội. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng