Thứ 5, 14/11/2024, 23:42[GMT+7]

Đổi thay ở giáo xứ Nguyệt Lãng

Thứ 4, 20/12/2017 | 10:40:31
4,473 lượt xem
Từ một vùng đất khó, người dân đói khổ, lạc hậu, nhờ đoàn kết, cần cù phát triển kinh tế, đời sống bà con giáo xứ Nguyệt Lãng, xã Minh Khai (Vũ Thư) đã có nhiều khởi sắc rõ rệt, diện mạo nông thôn nơi cộng đồng giáo hữu sinh sống khang trang, sạch đẹp.

Diện mạo giáo xứ Nguyệt Lãng khang trang, sạch đẹp.

Trên con đường bê tông khang trang, sạch đẹp, ông Đặng Văn Hoàng, giáo dân giáo xứ Nguyệt Lãng cùng chúng tôi dạo bước quanh nhà thờ. Giới thiệu về những tuyến đường làng, đường xóm đã bê tông hóa, những ngôi nhà cao tầng khang trang của bà con, ông Hoàng tỏ rõ niềm tự hào trước sự “thay da đổi thịt” ngay trên mảnh đất quê hương mình. Ông kể: Trước kia, các hộ sống bằng nghề đánh tép riu, trồng lúa và nấu rượu, vừa vất vả mưu sinh vừa vượt đất làm thổ, hình thành nên làng và xứ Nguyệt Lãng ngày nay. Vì vậy, Nguyệt Lãng có tên là Trại Vượt. Xưa kia, do nghèo khó, bà con chỉ có một ngôi nhà giáo bằng tre, mái rạ để làm nơi đọc kinh thánh. Năm 1933, Nguyệt Lãng tách ra thành lập giáo xứ. Gần 1 thế kỷ tin tưởng đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ lựa chọn, cần cù lao động sản xuất, đời sống của bà con giáo xứ Nguyệt Lãng từng ngày đổi thay, khấm khá.

Tại tổ hợp thêu ren của gia đình ông Trần Văn Thi, bà Đặng Thị Xuyên, giáo xứ Nguyệt Lãng, các thợ thêu đang cần mẫn với từng đường kim mũi chỉ. Bà Xuyên cho biết: Tổ hợp thêu ren của gia đình mang lại nguồn thu nhập khá nhiều năm qua, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 50 lao động, hầu hết là phụ nữ trong xứ với mức thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Trước kia nghề thêu ren phát triển ở địa bàn cả xã Minh Khai nhưng những năm gần đây các thôn khác hầu như đã bỏ nghề, chỉ riêng chị em giáo xứ Nguyệt Lãng vẫn chăm chỉ, cần mẫn gắn bó với khung thêu nên nghề thêu ren vẫn được duy trì và mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm phụ nữ trong xứ.

Phụ nữ giáo xứ Nguyệt Lãng cần mẫn bên khung thêu.

Linh mục Phạm Văn Sơn, Chánh xứ giáo xứ Nguyệt Lãng cho biết: Giáo xứ hiện có 6 họ giáo, 230 hộ với khoảng 800 nhân danh, sinh sống tập trung ở thôn Nguyệt Lãng và thôn Nội, xã Minh Khai. Ngoài nông nghiệp, bà con trong giáo xứ năng động, chăm chỉ phát triển nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như thêu ren, sản xuất đồ gỗ, xay xát, thợ nề. Nếu phụ nữ trong xứ gắn bó với khung thêu ở “góc nhà” thì nam giới trong xứ tự vận động nhau thành lập các tổ, nhóm nghề xây dựng, mộc, hàn nhận thi công, sản xuất công trình ở khắp các địa bàn trong và ngoài tỉnh với thu nhập thông thường từ 60 - 80 triệu đồng/năm. Đặc biệt, khoảng 30 hộ trong giáo xứ nhạy bén đầu tư cho con em đi xuất khẩu lao động, mang về nguồn thu lớn, cải thiện rõ rệt kinh tế gia đình. 

Từ một Trại Vượt xa xưa, bà con đói khổ, đến nay giáo xứ Nguyệt Lãng có 76% hộ dân có kinh tế giàu và khá, 100% số hộ có thiết bị nghe nhìn, sử dụng nước hợp vệ sinh; 40% số hộ có nhà cao tầng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,3%. Từ ngôi nhà giáo đơn sơ trước kia, giờ đây giáo xứ đã xây dựng được nhà thờ khang trang, đáp ứng nhu cầu đời sống tín ngưỡng của bà con.

Cùng với phát triển kinh tế, giáo dân giáo xứ Nguyệt Lãng đoàn kết với nhân dân địa phương xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hội đồng mục vụ giáo xứ vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đến nay xứ không còn tình trạng tảo hôn, sinh con thứ ba, đám cưới, đám tang linh đình. Quỹ khuyến học, từ thiện của giáo xứ được dành để động viên, thăm hỏi học sinh giỏi, hộ có hoàn cảnh khó khăn, rủi ro, tai nạn trên phạm vi cả thôn chứ không chỉ dành riêng cho bà con trong giáo xứ. Hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp đỡ nhau trong cuộc sống của bà con lương, giáo trong thôn, xã luôn bó bện tạo thành mối quan hệ cộng đồng tốt đẹp. Nhiều năm liên tục giáo xứ Nguyệt Lãng đạt danh hiệu “Xứ họ đạo 4 gương mẫu”,

Ông Nguyễn Đức Hội, Phó Bí thư Đảng ủy xã Minh Khai cho biết: Nét nổi bật là trong nhiều năm qua giáo dân giáo xứ Nguyệt Lãng luôn nghiêm túc chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, bà con giáo xứ tự giác đóng góp kinh phí 300.000 - 500.000 đồng/khẩu và ngày công lao động cứng hóa 9 tuyến đường thôn, xóm, góp phần cứng hóa 100% đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Năm 2016, tranh thủ nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh, bà con trong xứ vận động nhau tự đóng góp tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng tiến hành cứng hóa hơn 500m đường ra nghĩa trang nhân dân, đồng thời là giao thông nội đồng của thôn Nguyệt Lãng. Sự đóng góp, ủng hộ tích cực của bà con giáo dân là động lực lớn để cán bộ và nhân dân xã Minh Khai tiếp tục vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, quyết tâm về đích xã nông thôn mới năm 2017.

Quỳnh Lưu