Thứ 7, 23/11/2024, 14:50[GMT+7]

Giàu nhờ thanh long ruột đỏ

Thứ 5, 07/09/2017 | 09:04:58
6,324 lượt xem
Từ vùng đất cằn cỗi đã trồng nhiều loại cây nhưng hiệu quả kinh tế không cao, chị Nguyễn Thị Miên, thôn An Di, xã Hồng Châu, huyện Đông Hưng đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng thanh long ruột đỏ, vươn lên làm giàu từ mảnh đất của mình.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao của chị Nguyễn Thị Miên.

Chị Miên chia sẻ: Trên diện tích 6 sào này, trước gia đình trồng lúa rồi chuyển đổi sang trồng dưa hấu, dưa kim cô nương và các loại rau màu khác, vất vả sớm tối nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau một thời gian nghiên cứu, tham quan các mô hình đã thành công, năm 2013 gia đình mạnh dạn chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ. Trồng thanh long nặng vốn đầu tư trụ đá và giống ban đầu (khoảng 200.000 đồng/gốc), còn công chăm sóc, bón phân thì không đáng kể, đặc biệt cây có sức đề kháng cao nên ít bị sâu bệnh, một năm chỉ phun một lần thuốc phòng, trừ bệnh thán thư vào tháng 2, tháng 3 khi có mưa ẩm. Vì trụ cây bằng bê tông, tán cây không cao nên ít bị ảnh hưởng của thời tiết, nhất là mưa bão. Tuy thời gian từ khi trồng đến khi được thu hoạch mất hơn một năm nhưng một năm có thể thu được 4 - 5 lứa quả, hàng chục năm mới phải trồng lại.

Đến nay, 350 gốc thanh long ruột đỏ của gia đình chị Miên đã thu hoạch được 3 năm. Năm đầu 2015, do kinh nghiệm chưa nhiều, thanh long cho quả bé nên chị Miên chỉ thu được trên 30 triệu đồng. Năm thứ hai chị thu được 80 triệu đồng. Năm nay, quả to, sai, bán được giá hơn, chị ước tính sẽ được gần 100 triệu đồng. 

Chị Miên cho biết thêm: Bên cạnh việc chọn mua giống cây có chất lượng ở nơi có uy tín, khi bắt đầu trồng thanh long, phải làm trụ bê tông cao từ 1,8 - 2m, cạnh vuông từ 12 - 15cm, chôn sâu 30cm. Mỗi trụ cách nhau 3m. Mỗi trụ trồng 3 cây, phủ rơm rạ ở gốc để giữ ẩm và bổ sung thêm phân chuồng, phân hữu cơ, một năm hai lần (bón thúc mầm và bón thúc quả) cây sẽ phát triển tốt. Sau khi trồng cần trừ cỏ, tránh phun thuốc vào cây và xung quanh rễ; phải che đậy cẩn thận để giữ cho rễ không bị tổn thương do ánh nắng mặt trời, làm rãnh thoát nước để rễ cây không bị úng, đồng thời cắt bỏ những cành cây không thể mọc mầm và ra quả.

Để bán được giá, chị Miên còn chở thanh long tới các chợ đầu mối bán; chỉ khi nào bận mải, quả chín rộ chị mới chịu bán cho thương lái tại vườn. Trồng thanh long ruột đỏ hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng các loại cây khác nên vừa qua chị Miên đã thuê lại 7 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả của các hộ trong thôn chuyển đổi trồng thanh long ruột đỏ, dự kiến cuối năm 2018 sẽ cho thu hoạch lứa đầu. 

Bên cạnh đó, chị Miên còn tận dụng đất trống nuôi hàng trăm con gà trong vườn thanh long và nuôi lươn bên dưới các rãnh giữa hai luống thanh long để tăng thu nhập cho gia đình. Với mô hình trồng thanh long ruột đỏ, chị Miên không chỉ đưa gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng mà còn tạo việc làm cho 2 - 3 chị em khác theo thời vụ với thu nhập hơn 100.000 đồng/ngày.

Chị Đặng Thị Tốt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Châu cho biết: Chị Nguyễn Thị Miên không chỉ là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn giỏi nhiều năm liền mà còn là gương phụ nữ làm kinh tế giỏi của xã. Nhiệt tình với công việc được giao, năng động, dám nghĩ dám làm, thường xuyên giúp đỡ các chị em khác để cùng thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng chính là phẩm chất đáng quý của chị Miên, các chị em khác cần tích cực học tập và làm theo.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày