Chủ nhật, 24/11/2024, 02:34[GMT+7]

Kiến Xương gặt lúa mùa chạy đua cùng thời gian

Thứ 6, 13/10/2017 | 14:21:52
1,882 lượt xem
Do lúa đã chín dầm trong nước lâu ngày và trước dự báo những ngày tới sẽ có mưa, những ngày này nông dân huyện Kiến Xương đang tập trung ra đồng hối hả thu hoạch lúa mùa.

Nông dân xã Vũ Tây tập trung thu hoạch lúa mùa dù lúa đã mọc mộng.

Sau những ngày mưa như trút nước, trời hửng nắng, nông dân xã Vũ Lễ (Kiến Xương) tranh thủ ra đồng thu hoạch lúa mùa. Tại tất cả các xứ đồng, do nước ngập lưng chừng cây lúa nên không máy móc nào xuống nổi, chỉ có cảnh bà con kéo xe lôi và dùng liềm tấp nập đi gặt lúa thủ công. 

Để thu hoạch 1,1 mẫu lúa nếp, ông Trần Văn Uân, thôn Tiền Phong, xã Vũ Lễ ngoài nhân lực gia đình còn thuê mượn thêm người để khẩn trương gặt, đưa lúa về nhà. 

Ông Uân cho biết: Nhìn hơn một mẫu lúa nếp trĩu bông, nhưng hạt nào cũng nứt nanh, nảy mầm vì dầm nước dài ngày mà lòng xót xa. Dẫu biết không thể làm thóc thương phẩm nhưng gia đình vẫn phải gặt về làm thức ăn chăn nuôi mong vớt vát lại chút công sức hơn 3 tháng cấy cày, chăm sóc.

Nhiều diện tích lúa không bị đổ thóc vẫn mọc mộng làm giảm năng suất.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc HTX SXKD DNNN xã Vũ Lễ chia sẻ: Vụ mùa năm nay, địa phương gieo cấy 415ha lúa, trong đó có 80% diện tích là lúa nếp, đây là giống lúa hàng hóa cho giá trị thu nhập cao. Tuy nhiên, đợt mưa kéo dài vừa qua đã khiến cho 100% diện tích bị ngập úng, bông lúa ra rễ, nảy mầm gây thiệt hại lớn cho nông dân. Những ngày qua, địa phương tích cực triển khai các biện pháp tiêu thoát nước nội đồng để chống úng và tạo điều kiện cho bà con thu hoạch. Đến ngày 12/10, toàn xã đã thu hoạch được 40% diện tích. Vì không thể gặt bằng máy nên cấp ủy, chính quyền và HTX tích cực tuyên truyền, động viên nông dân gặt thủ công phấn đấu đến ngày 15/10 sẽ hoàn thành thu hoạch.

Tình trạng lúa ngập nước, thóc mọc mộng diễn ra ở các địa phương của huyện Kiến Xương, nhất là ở 6 xã thuộc vùng úng trũng nhất của huyện: Nam Bình, Quang Hưng, Vũ Lễ, An Bình, Quốc Tuấn, Trà Giang. Chứng kiến cảnh này, dù buồn bã nhưng bà con vẫn gắng gượng huy động nhân lực ra đồng thu hoạch.

Gặt tới đâu nông dân xã Vũ An đưa lúa về nhà tới đó tránh bị dầm nước lâu ngày.

Tại xã Vũ An, tuy không thuộc vùng úng trũng nhưng có tới hơn 140/190ha lúa mùa nước ngập đến gần cổ bông. Ông Trịnh Quang Trung, thôn Đô Lương cho biết: Tuy 2,5 sào lúa của gia đình không bị đổ nhưng hiện nay nhiều hạt bắt đầu nứt nanh, ra rễ nên tôi phải huy động tất cả mọi người trong gia đình ra đồng gặt gấp dẫu phải vất vả bì bõm lội nước cắt từng bông. 

Còn ông Phạm văn Sử, thôn Đô Lương chia sẻ: Cũng một sào ruộng, vụ mùa năm ngoái thu về được 5 bao thóc, nay chỉ được gần 3 bao thôi vì tỷ lệ thóc mọc mộng hơn 40% rồi. May mắn là lúa không bị đổ, ruộng tiêu thoát nước kịp nên gặt bằng máy được, chứ phải gặt bằng tay thì lấy đâu ra người mà làm. Song năng suất thấp thế này thì không biết có đủ tiền thuê máy gặt hay không?

Do ngập úng không thể gặt bằng máy, nông dân Kiến Xương huy động nhân lực gặt bằng tay.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa, hiện nay các chủ máy gặt trên địa bàn Kiến Xương đã khắc phục khó khăn đưa máy xuống đồng gặt lúa cho nông dân. 

Ông Vũ Văn Dơn, chủ máy gặt tại thôn Đô Lương, xã Vũ An cho biết: Do lúa đổ và nền ruộng ướt, lầy lội nên việc gặt bằng máy cũng rất chậm. Bình thường một ngày gặt được 5 – 6 mẫu, nay có cố gắng tranh thủ ngày đêm cũng chỉ gặt được 3 – 4 mẫu ruộng. Công gặt vụ này cũng không có giá cụ thể; tùy từng diện tích, nếu 1 sào thu được 5 bao thóc thì lấy 100.000 đồng, còn nếu được 2 – 3 bao thì chỉ thu của bà con 50.000 đồng gọi là lấy tiền xăng dầu, chia sẻ với bà con thôi.

Việc gặt bằng máy đối với diện tích lúa không bị ngập nước cũng vất vả và tiến độ chậm.

Với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” và trước thực trạng nhiều diện tích lúa bị nứt nanh, nảy mầm, nếu không gặt nhanh sẽ gây thất thu, huyện Kiến Xương tập trung chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động, đôn đốc nông dân khẩn trương ra đồng thu hoạch lúa mùa. 

Ông Đặng Ngọc Oánh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đối với những diện tích lúa bị ngập nước không gặt bằng máy được, ngoài lực lượng nông dân, Kiến Xương huy động lực lượng bộ đội, công an, học sinh THPT xuống gặt lúa giúp dân trên cơ sở các xã đánh giá tình hình, thống kê diện tích và đề nghị hỗ trợ nhân lực. Huyện cũng chỉ đạo 37 xã, thị trấn tiếp tục tiêu nước chống úng, chuẩn bị vật tư nông nghiệp, giống cây trồng vụ đông ưa lạnh kịp thời cung ứng cho nông dân sản xuất và mở rộng diện tích cây vụ đông để bù đắp thiệt hại trong vụ mùa này.


Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày