Chủ nhật, 24/11/2024, 02:10[GMT+7]

5 ngày căng thẳng leo thang ở Syria vì cáo buộc tấn công hóa học

Thứ 5, 12/04/2018 | 08:17:03
549 lượt xem
Căng thẳng ở Syria những ngày qua gia tăng nhanh chóng với hàng loạt cảnh báo được đưa ra, tất cả bắt nguồn từ một cáo buộc tấn công hóa học.

Một nạn nhân được cho là đã hít phải khí độc ở Douma hôm 7/4. Ảnh: Rex.

Các nhà hoạt động đối lập và lực lượng cứu hộ cáo buộc quân đội chính quyền Syria hôm 7/4 dùng khí chlorine tấn công thành phố Douma, Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus, làm khoảng 70 người chết, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Nạn nhân được cho là phát ra mùi chlorine mạnh, thở gấp, run rẩy, một số người co giật và sùi bọt mép.

Theo Reuters, ngay sau khi thông tin trên xuất hiện, tranh cãi cũng bắt đầu nảy sinh. Mỹ cùng các đồng minh phương Tây cho rằng chính Syria phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/4 đe dọa Syria "sẽ phải trả giá đắt" vì hành động của mình dù trước đó một tuần, ông chủ Nhà Trắng thông báo về kế hoạch rút quân khỏi Syria với lý do việc duy trì hiện diện quân sự ở đây là "tốn kém" và "không cần thiết". Tuy nhiên, Trump đã hoãn ra quyết định bởi sự can ngăn từ các tướng lĩnh quân đội.

Đến ngày 9/4, Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ đáp trả Syria trong vòng 24 - 48 giờ liên quan đến cáo buộc tấn công hóa học, ngụ ý về một động thái quân sự, có thể là một cuộc không kích.

Trump dường như rất tập trung vào vấn đề này. Ông đã hủy việc tham dự cuộc họp của các nước Mỹ Latin để "giám sát phương án đối phó với Syria". Theo kế hoạch ban đầu, Tổng thống Mỹ sẽ tới Peru ngày 13/4, sau đó công du Colombia.

Khung cảnh đổ nát tại thị trấn Douma ngày 30/3. Ảnh: Reuters.

Khung cảnh đổ nát tại thị trấn Douma ngày 30/3. Ảnh: Reuters.

Trái ngược với Mỹ, Nga, đồng minh thân cận của Syria, nói thông tin về vụ tấn công hóa học tại Douma là "giả mạo" và "bịa đặt". Bộ Ngoại giao Nga khẳng định mọi cuộc tấn công vào Syria dựa trên những chứng cứ thêu dệt đều không thể chấp nhận được, sẽ dẫn tới hậu quả thảm khốc. Chính phủ Syria cũng bác bỏ cáo buộc, tố cáo phiến quân tung tin thất thiệt khi bị dồn tới đường cùng.

Các quan chức Mỹ giấu tên cho biết chính quyền Trump đang tính toán một đòn tấn công quân sự đa quốc gia nhằm vào Syria, song không tiết lộ kế hoạch cụ thể. Trước khả năng này, một số quốc gia đã lên tiếng đứng về phía Washington. Arab Saudi tuyên bố sẵn sàng ủng hộ lời kêu gọi từ Mỹ tham gia kế hoạch đáp trả Syria. Australia cũng khẳng định sẽ có biện pháp ủng hộ thích hợp đối với bất cứ hành động quân sự nào của Washington lên Damascus.

Giữa lúc tình hình đang sôi sục thì vào ngày 9/4, hai tiêm kích F-15I được cho là của không quân Israel đã phóng 8 tên lửa hành trình từ không phận Lebanon về phía Syria. Vụ tấn công như mồi lửa càng làm căng thẳng bùng cháy dữ dội. Dù 5 tên lửa bị phòng không Syria bắn hạ, ba quả còn lại đánh trúng phía tây sân bay T-4, khu vực dường như là nơi lực lượng quân sự Iran đóng quân, khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có 7 công dân Iran.

Giới quan sát cho rằng Israel đứng sau vụ tấn công vì mối quan hệ căng thẳng giữa họ với Iran. Tel Aviv coi Tehran là một mối đe dọa hiện hữu và mối nguy lớn nhất đối với tương lai quốc gia, trong khi Iran cũng thường xuyên đe dọa Israel. Iran ngày 10/4 tuyên bố sẽ đáp trả Israel song Tel Aviv không đưa ra bình luận.

Căng thẳng dường như được đẩy lên đỉnh điểm khi tối 10/4, Đại sứ Nga tại Lebanon Alexander Zasypkin tuyên bố trên kênh truyền hình của lực lượng Hezbollah rằng Moscow sẽ bắn hạ mọi tên lửa Mỹ phóng vào Syria. Ông Zasypkin cho hay mình chỉ dẫn lại lời Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov.

Chảo lửa Syria đang nóng lên từng giờ, châu Âu hôm nay phải phát đi cảnh báo nguy cơ Syria bị không kích trong 72 giờ tới. Hoang mang tiếp tục dâng cao khi Tổng thống Trump cùng ngày tuyên bố Nga hãy sẵn sàng vì tên lửa "đẹp, mới và thông minh" của Mỹ "sẽ tới".

Toàn bộ đơn vị quân đội chính phủ Syria và lực lượng đồng minh đang trong tình trạng báo động chiến đấu cao. Hạm đội Biển Đen trực thuộc hải quân Nga hiện cũng được đặt trong tình trạng báo động cao nhất để chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công quân sự tiềm tàng từ Mỹ. Điện Kremlin đồng thời kêu gọi Mỹ và đồng minh không có những động thái tiếp tục gây căng thẳng và bất ổn.

Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ nhấn mạnh London "ủng hộ hành động quốc tế đáp trả vụ tấn công" ở Syria song lưu ý rằng "một cuộc không kích chỉ được tiến hành khi có bằng chứng cho thấy Syria đã sử dụng vũ khí hóa học".

Bà May từ chối tham gia vào "hành động chóng vánh" này, trong bối cảnh các thanh sát viên thuộc Tổ chức Cấm phổ biến Vũ khí Hóa học (OPCW) chuẩn bị đến thị trấn Douma để điều tra các cáo buộc đối với Syria.

Giới chuyên gia nhận định, việc chính quyền Trump phát động tấn công Syria rất dễ dẫn tới một cuộc đối đầu trực diện giữa Mỹ và Nga, kịch bản không ai mong muốn và chắc chắn sẽ tạo ra "những hậu quả thảm khốc".

Vị trí của Syria có bờ biển phía đông giáp với Địa Trung Hải. Ảnh: Steemit.

 Bờ biển Syria giáp với phía đông Địa Trung Hải. Đồ họa: Steemit.

Theo vnexpress.net


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày