Thứ 7, 21/09/2024, 08:19[GMT+7]

Lớp chọn, trường điểm: Kỳ vọng của bố mẹ - áp lực của con trẻ

Thứ 2, 12/08/2024 | 21:37:59
2,730 lượt xem
Chỉ còn gần 1 tháng nữa, học sinh toàn tỉnh sẽ bước vào năm học 2024 - 2025. Thời điểm này, cùng với việc chuẩn bị tốt hệ điều kiện, các cơ sở giáo dục đang gấp rút sắp xếp lớp học, bố trí giáo viên chủ nhiệm của từng lớp. Câu chuyện về lớp chọn, trường điểm dường như vẫn chưa dừng lại khi đó là nhu cầu của nhiều phụ huynh. Sự kỳ vọng của cha mẹ đối với con trẻ có thể là nguồn động lực mạnh mẽ, đánh thức tiềm năng của trẻ, nhưng cũng có thể trở thành áp lực đè nặng trên hành trình trưởng thành của con.

Trường THCS Trung An (Vũ Thư) được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo bảo đảm sự đồng đều giữa các lớp trong trường.

Hành trình chạy đua lớp chọn, trường điểm

Thành tích học tập của con là điều mà phụ huynh nào cũng kỳ vọng, mong muốn nhằm hướng tới mục tiêu con học giỏi, sau này thành đạt, có địa vị trong xã hội.

Là gia đình có điều kiện kinh tế khá giả nên từ khi con gái vào mầm non rồi tiểu học, chị Nguyễn Thị Chuyên, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) không bỏ lỡ bất kỳ hoạt động học tập hay phong trào nào của con. Là một đứa trẻ lanh lợi, thông minh, lại có nhiều tài lẻ, con gái chị gần như trở thành “nhân vật chính” trong tất cả mọi hoạt động của lớp, trường. Hoạt động nào có bé tham gia cũng đều mang về giải thưởng. Khi con vào lớp 1, chị xin cho con vào một trường tiểu học theo mong muốn, đồng thời xin cho con vào lớp mà theo như chị tham khảo thì đó chính là lớp “vip” của khối. Với suy nghĩ và cách làm đó, từ lớp 1 đến lớp 8, con chị luôn học lớp chọn của những ngôi trường có tiếng ở thành phố. Tiếp xúc với con của chị Chuyên, không ai có thể phủ nhận đây là một cô học trò khá nhanh nhẹn, hoạt ngôn. Những tấm giấy khen, giấy chứng nhận treo kín góc học tập nhỏ cũng đủ để mọi người hiểu con chị xuất sắc nhường nào. 

Chị Chuyên chia sẻ: Để có thành tích của ngày hôm nay, tôi phải cho con học trong môi trường đặc biệt, đó là có thầy cô dạy giỏi và sự “cạnh tranh” từ các bạn trong lớp. Từ đó, con có động lực phấn đấu.

Suy nghĩ và cách làm của chị Nguyễn Thị Chuyên cũng là điều mà không ít phụ huynh đang thực hiện. Lớp chọn, trường điểm không chỉ còn là mong muốn mà trở thành khát vọng, mục tiêu phấn đấu trong suốt hành trình học tập của con đối với nhiều bậc phụ huynh. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng xuất sắc như con của chị Chuyên. 

Chị Lê Hải An, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) hiện có 2 con đang học lớp 9 và lớp 4. Chị An tâm sự: Cũng như bao phụ huynh khác, tôi luôn đặt ra mục tiêu và sắp xếp tất cả mọi việc từ ăn uống, sinh hoạt đến học tập của con. Vì vậy, tôi cũng không nằm ngoài “cuộc chạy đua lớp chọn, trường điểm” bởi nếu chậm chân thì có thể con tôi sẽ không vào được lớp mà tôi mong muốn. Nhưng sau 5 năm học tiểu học, tôi nhận thấy bản thân đã sai khi chưa nhìn nhận, đánh giá đúng sức học của con. Con học lớp chọn đồng nghĩa với việc thầy cô sẽ dạy nâng cao hơn so với các lớp thường, bài tập về nhà chủ yếu là những bài khó mà với kiến thức của chúng tôi ngày xưa không thể nào hướng dẫn cho con làm bài. Có những ngày con đi học về, con khóc nức nở bảo tôi rằng con không đi học nữa đâu, toàn bài khó con không làm được. 

Nghĩ tội con, vì vậy kết thúc 5 năm tiểu học, chị Lê Hải An nộp hồ sơ cho con học ở trường THCS đúng tuyến, cũng không đặt vấn đề xin cho con vào lớp chọn. Rút kinh nghiệm từ bạn lớn, với bạn thứ hai, chị cũng cho con học ở lớp bình thường của trường tiểu học trên địa bàn sinh sống. Chị thấy việc học của các con nhẹ nhàng hơn, gia đình cũng vui vẻ hơn.

Đừng biến thành tích của con thành “trang sức” của bố mẹ...

Để con được học lớp chọn, trường điểm, nhiều phụ huynh phải tìm mọi cách tính toán, vận dụng các mối quan hệ, nhờ vả, tác động mà quên rằng con mình có phù hợp hay không. Thực tế đã chứng minh, nếu sự kỳ vọng của cha mẹ không dựa trên năng lực, sở trường của con thì sẽ dễ dẫn đến những áp lực vô hình, để lại gánh nặng tâm lý và những tổn thương tinh thần không gì có thể bù đắp cho con trẻ. Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng xung quanh câu chuyện kỳ vọng của cha mẹ - áp lực của con trẻ. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh trong khoảnh khắc nào đó của một bộ phận làm cha làm mẹ. 

Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở nước ta là 8 - 29% đối với trẻ em và vị thành niên. Còn theo số liệu báo cáo của một số nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6%, trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Chưa dừng lại ở đó, con số này dự báo vẫn đang tiếp tục tăng dần theo các năm, cho thấy mức độ nghiêm trọng về vấn đề sức khỏe tâm thần đến từ những áp lực tâm lý mà các em học sinh gặp phải. Cũng phải thừa nhận, một tỷ lệ không nhỏ trong số đó là các bệnh tâm lý do tác động của áp lực thi cử, cũng như sự kỳ vọng quá mức từ phía gia đình.

Với kinh nghiệm gần 20 năm giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Mai hiện đang sinh sống ở thành phố Thái Bình đã chứng kiến không ít hệ lụy từ chính việc chọn trường, chọn lớp của con theo mong muốn của cha mẹ. Một số em không “theo kịp bạn” dẫn đến tâm lý tự ti, mặc cảm, khủng hoảng tâm lý khiến cha mẹ phải chuyển trường.

Nhà giáo ưu tú Đỗ Đình Trọng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh chia sẻ: Xin cho con vào học lớp thầy, cô giáo dạy giỏi, môi trường sư phạm tốt là mong muốn hoàn toàn chính đáng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, cha mẹ hãy thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá năng lực của con có đáp ứng được môi trường học tập đó hay không. Nếu con cảm thấy bị áp lực, không còn vui vẻ khi học tập thì cha mẹ nên xem xét lại. Chúng ta hãy biến kỳ vọng của mình thành động lực giúp con trẻ tự tin vào bản thân, phát huy tiềm năng và vươn tới thành công.

Màn đồng diễn múa hát chèo của học sinh Trường Tiểu học và THCS Bắc Hải (Tiền Hải).

Biến áp lực thành động lực

Ngay từ năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 2449 về việc khắc phục tình trạng chạy trường, chạy lớp. 8 năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố đã ban hành rất nhiều công văn hướng dẫn cấp tiểu học, THCS tuyển sinh đúng tuyến, bảo đảm quy định về sĩ số và giới tính phù hợp. 

Ông Vũ Giang Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình cho biết: Phòng đã ban hành công văn hướng dẫn tuyển sinh đến tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn, trong đó nhấn mạnh việc tuyển sinh đúng tuyến, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị dựa trên điều kiện thực tế của từng nhà trường. Đồng thời, tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, tăng cường cơ sở vật chất để bảo đảm sự đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các trường. Từ đó giúp phụ huynh yên tâm cho con học tại cơ sở giáo dục nơi mình sinh sống, vừa giảm áp lực cho con vừa thuận tiện trong việc đưa đón.

Cùng với ngành giáo dục thành phố, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh cũng chú trọng đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá, tránh áp lực về điểm số, thành tích cho các cơ sở giáo dục cũng như học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, ngành giáo dục cũng mong nhận được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh để thấu hiểu, động viên, chia sẻ, đồng hành cùng con trên mỗi chặng đường. Phối hợp chặt chẽ với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để cho con những góp ý, định hướng, tôn trọng các ý kiến, quyết định của các con. Hãy giúp con biến áp lực thành động lực, đừng để áp lực kéo lùi tương lai con trẻ.

Lan Linh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày