Thứ 7, 16/11/2024, 18:29[GMT+7]

50 năm một quãng đường dài

Thứ 5, 22/12/2011 | 15:03:34
1,167 lượt xem
Vào những năm đầu thập kỷ 60, Trung ương Ðảng ra chỉ thị cho các Ðảng bộ tỉnh, thành phố thành lập cơ quan ngôn luận của mình và xuất bản tờ báo địa phương. Chính thời điểm ấy, Báo Thái Bình Tiến lên của Ðảng bộ tỉnh Thái Bình ra đời, số đầu tiên xuất bản ngày 01-1-1962. Ðây là mốc đánh dấu sự trưởng thành của báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và của các báo địa phương ở miền Bắc nước ta nói riêng lúc bấy giờ.

Ðội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp ở Thái Bình lúc bấy giờ đếm được trên đầu ngón tay, mà phải làm đầy đủ các công việc như các tờ báo khác. Phương tiện in ấn rất thô sơ mà vẫn bảo đảm số lượng phát hành ra đúng kỳ, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – chính trị – văn hoá – xã hội.

 

Duyên nợ đối với tôi và hàng vạn, hàng vạn thanh niên miền Bắc là cùng với toàn Ðảng, toàn dân bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cùng với đồng bào miền Nam để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Như một trách nhiệm xã hội giao, tôi trở thành người lính cầm bút theo các đoàn quân ra trận, cổ vũ quân dân kháng chiến với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Hơn 13 năm, vừa là chiến sĩ, vừa là phóng viên đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên về tình đồng đội với những niềm vui, nỗi buồn của người làm báo!

 

Những tưởng rằng cái duyên với báo chí gắn bó với mình đến thế là thôi! Tôi sẽ được về với cái nghề mà Thủ tướng Phạm Văn Ðồng vinh danh là “một trong những nghề cao quý nhất!”. Nhận thức của tôi lúc ấy chả có gì là sai! Và đến bây giờ, tôi vẫn khẳng định là đúng! Gia tộc nhà tôi mấy đời “gõ đầu trẻ” và nhiều bậc cao niên trong họ trở thành “lái đò” trên dòng sông trí tuệ! Ý chủ định đã rõ ràng là thế, nhưng tôi lại phải đi theo một quả bẻ, để từ đấy suốt đời chỉ có một cái tên: Nhà Báo. Ðó chính là cái lý do tôi đến với Báo Thái Bình.

 

Xưa các cụ dạy: “Sinh ư nghệ, tử ư nghệ!”, không hết lòng với nghề, sao mong “đắc đạo”, sao trở thành cây bút tài hoa, sắc nét để đời của làng báo Việt Nam. Hơn 22 năm sống và làm việc ở Báo Thái Bình, việc học tập tôi luôn coi trọng, vì thế tôi có nhiều thành công, ít ai ngờ. Có bạn đồng nghiệp, lúc cao hứng gọi tôi là “nhà báo lão thành!”. Bịn rịn, tôi ứng khẩu nhanh “lão thì có lão, nhưng thành thì chưa!”. Ðồng nghiệp cao niên hiểu tôi đến chí cốt chí tình. Còn tôi vẫn phải là tôi, không thể khác! Cho đến bây giờ dù đã nhiều tuổi nhưng không bao giờ buông lơi nhân cách...

 

Lần đầu tiên Tổng biên tập Lê Trọng giao cho tôi viết xã luận phát triển chăn nuôi cá ao theo mô hình HTX Vũ Tây (Kiến Xương). Tôi làm báo chuyên nghiệp ở một số báo Quân khu Ba, Quân khu Tả Ngạn, Sông Hồng... chỉ quen với nhiệm vụ quân sự, như huấn luyện, chiến đấu, xây dựng lực lượng vũ trang, hậu phương quân đội, rà phá bom mìn... chứ đâu tìm ra những thuật ngữ về trồng lúa, trồng màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chứ đâu hiểu đến những từ cụ thể, như con cá, cái ao... đánh tỉa thả bù... Thế mà Tổng biên tập vẫn “ép” phải viết, gian khổ đến toát mồ hôi, tôi đã phải cố gắng hết mình.

 

Tôi về Báo Thái Bình thì trên trang 3, trang 4 có chuyên mục “Chống mà xây”, viết văn vần. Người tham gia chuyên mục này lúc đó chỉ có bác Tô Kim Tuyền, với giọng văn riết róng. Thi thoảng có tranh biếm hoạ. Những năm sau này, Báo Thái Bình lại có thêm chuyên mục “Pháp luật và đời sống” giao cho Ban Văn xã xây dựng – Nguyễn Ðình Tuyến “tìm thầy, chạy thợ” để làm. Chuyên mục “Nghe dân nói, nói dân nghe” cũng đã thu hút được đông đảo bạn đọc. Trên các tờ báo khác xây dựng được các chuyên mục khó, duy trì được lại càng khó hơn. Báo Thái Bình đã làm được.

 

Làm báo, chính là tạo ra sản phẩm văn hoá tinh thần không thể thiếu được trong cuộc sống hằng ngày. Ðã là sản phẩm – văn hoá, phải hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao đông đảo bạn đọc. Tóm lại, là phải làm ra một thương hiệu riêng của mình!

 

Nguyễn Đình Khản

Nguyên Trưởng Phòng Văn hóa - Xã hội Báo Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày