Tôi đã vượt khó để trở thành phóng viên
Nhà tôi nghèo lắm, lại đông anh em, bố mẹ làm quần quật cả ngày cũng chẳng thể đáp ứng cho 6 cái “tầu há mồm”, đang tuổi ăn, tuổi lớn. Chị gái cả học rất giỏi song phải nghỉ học ở nhà phụ mẹ làm đồng và chạy chợ. Từ lúc biết đọc, biết viết, tôi- cô bé gầy như que củi đã có sở thích đọc sách, nghe đài, xem ti vi. Khổ nỗi gia tài của cả nhà chỉ có cái đài bằng bàn tay cũ rích, mở lên kêu rè rè, vậy mà tôi yêu nó lắm. Vài quyển truyện tranh chị mua cho tôi đọc đi đọc lại đến thuộc làu từng chữ vẫn không chán, đi ngủ là gối đầu giường như bảo bối.
Cả nhà chỉ có tôi hay đọc, có lẽ vì thế mà năm nào cũng được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi văn của trường. Khi nghe cô giáo bảo: “Muốn trở thành nhà báo, em phải học văn giỏi, đọc càng nhiều sách báo càng tốt”- học trò ngây ngô cười thầm vì ước mơ của mình có cơ sở để trở thành hiện thực. Câu nói nổi tiếng của Nhà văn Victor Hugo “Để sáng tạo tương lai, cần bắt đầu bằng một ước mơ” tình cờ đọc được đã đẩy quyết tâm của tôi lên cao hơn, bởi đó là cách tôi chọn để thoát khỏi lũy tre làng, thoát khỏi bùn đất và đói nghèo. Tôi học hăng hơn, tối khuya mới đi ngủ, sáng dậy sớm cùng mẹ ra ruộng hái rau muống cho chị đi chợ, trên đường tới trường tranh thủ ôn lại bài, giờ ra chơi các bạn nô ngoài sân tôi vẫn ở trong lớp mê mẩn với đống sách vở.
Đúng lúc con gái phấn đấu học hành thì bị mẹ chặn lại. Mẹ muốn con gái nghỉ học để dành dụm tiền cho 2 con trai học cấp 3 và tiểu học, mẹ bảo “con gái học nhiều chỉ tổ cãi chồng, chẳng làm nên công trạng gì”. Cả họ nội, họ ngoại nhà tôi, con gái chỉ học để xóa mù chữ, tôi học đến lớp 8 là cao lắm rồi. Thầy cô, bạn bè đến tận nhà thuyết phục không xoay chuyển được quyết định của mẹ. Tôi ấm ức, khóc thầm, bỏ bữa không ăn, cứ ôm lấy đống sách vở. Con gái làm sao dám trách mẹ, mẹ đã rạc cả người lo cho các con, thật tâm cũng muốn con cái học hành để không khổ như mình, vì mỗi lần con gái mang giấy khen học sinh giỏi về mẹ mừng lắm, gặp ai cũng khoe.
Nghỉ được 3 ngày tôi lại trốn đi học, về mẹ dọa đốt hết sách vở, tôi sợ cứ ngồi ôm khư khư, mếu máo, vừa khóc, vừa van nài: “mẹ cho con đi học, con chỉ học nửa ngày, còn nửa ngày sẽ theo các chị đi mò cua bắt ốc lấy tiền đóng học”. Mẹ ôm con gái vào lòng rồi cũng khóc theo, xoa đầu bảo chỉ tại nhà mình nghèo quá con ạ. Tôi tung tăng tới trường có biết đâu trán mẹ có thêm vài nếp nhăn, vai mẹ oằn thêm nỗi lo.
Dù mẹ không bắt nhưng tôi vẫn đầu trần, chân đất cùng các chị lội hết ruộng, ngòi, rạch bắt cua, bắt cá, 10 đầu ngón tay rách nát vì bị cua cắp, tiền bán chẳng được là bao song tôi vui vì nghĩ mình đã giúp được bố mẹ đỡ cực. Có hôm dãi nắng về sốt nằm li bì trên giường, mẹ ngồi bên cạnh nhìn con gái xót xa… Rồi bố mua bò về, mấy anh em tranh nhau đi chăn, vì cứ thả bò ra đê hoặc đường làng cho nó ăn cỏ, tha hồ mà học bài. Đến tận bây giờ, hình ảnh cô học trò chăn bò chăm đọc sách vẫn được nhiều người trong làng nhắc đến một cách trìu mến. Hôm nào mượn được mấy quyển báo cũ của bạn, tôi mê mẩn như vớ được vàng, vừa đi vừa nhẩy chân sáo, về tới nhà đọc ngấu nghiến, rồi cũng tập tành làm thơ, viết truyện gửi báo Hoa học trò, song chưa lần nào được đăng. Bù lại, lượng độc giả trung thành của tôi ở lớp, ở trường rất đông, có bạn đọc thơ và truyện của tôi còn xúc động khóc sướt mướt, tặng tôi cả quyển sổ dày để viết thơ, viết truyện. Cứ như vậy, tôi ngấm ngầm chuẩn bị cho tương lai.
Cứ tưởng chịu khó giúp bố mẹ việc nhà và học thật giỏi là tôi sẽ được học đến khi có tấm bằng đại học báo chí trong tay, nào ngờ sắp thi tốt nghiệp cấp II, thì có người đến xin cưới tôi làm vợ, thế là mẹ lại bắt tôi ở nhà lấy chồng. Trời ạ, từ trước tới giờ tôi chỉ biết thơ văn và hằng đẳng thức đáng nhớ, chứ đã biết gì về yêu đương đâu. Tôi lấy hết can đảm nói với anh ta rằng “nếu vì anh mà tôi phải nghỉ học giữa chừng, không thể thực hiện được ước mơ của mình, tôi sẽ hận anh đến suốt đời”. Không ngờ câu nói của tôi có hiệu lực, anh ta bỏ cuộc ngay tức thì, còn mẹ mắng tôi một trận ra trò. Chửi mắng, đánh đập thế nào cũng được miễn là tôi vẫn được đi học.
Cả làng tôi có 5 bạn thi vào cấp 3, chỉ mình tôi đỗ, mà còn đỗ vào lớp chọn văn. Bố nghe con gái đỗ vui lắm, còn nụ cười trên môi mẹ cứ méo xệch đi- mẹ lo không có tiền cho con đóng học và điệp khúc “không được đi học” một lần nữa lại được cất lên. Nhưng lần này có sự hậu thuẫn của bố nên mẹ đi chợ hoặc chờ mẹ ngủ trưa, tôi vội vàng tới nhà cô bạn và hai đứa vắt vẻo trên chiếc xe đạp cà tàng vượt 8 cây số đến trường. Bài toán, bài văn khó bao nhiêu, phải dắt xe hỏng đi giữa trời nắng chang chang hàng mấy cây số, bụng đói meo, suốt ngày quèn quẹt đôi dép lê trong khi chúng bạn đi giầy da, dép xăng đan, quần áo đẹp… tôi không sợ, không ngại, chỉ lo không có đủ tiền để đóng học. Vì không có tiền đóng học đồng nghĩa với việc phải ở nhà, giấc mơ thành nhà báo mãi chỉ là giấc mơ. Tôi tâm sự hoàn cảnh gia đình với cô giáo chủ nhiệm, thương cô học trò nghèo chăm chỉ, nên suốt 3 năm học cô cho vay tiền đóng học, nhiều lần cô cho luôn, đến các khoản đóng quỹ lớp… tôi cũng được miễn. Nhờ có sự giúp đỡ tận tình của thầy cô và bạn bè tôi đã cố gắng học hành, đạt một số giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi của trường, của tỉnh. Ban đầu mẹ không cho đi học, sau thấy con ham học quá đành chiều theo, cố gắng chạy chợ kiếm thêm tiền cho con gái ăn học bằng chúng bạn.
Chiều theo sở nguyện của bố mẹ, tôi đăng ký thi trường Đại học sư phạm nhưng vẫn dự thi Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn. Ngày tôi khăn gói quả mướp lên Hà Nội thi đại học, anh trai cả gửi từ miền Nam ra cho 400.000 đồng làm lộ phí và động viên em gái thi tốt. Năm đó, tôi thi đỗ cả hai trường Đại học, mẹ nhất quyết bắt tôi đi học sư phạm, vì học sư phạm không phải đóng tiền học phí, làm cô giáo nhàn nhã... Bao khó khăn đã vượt qua, cánh cửa quan trọng nhất đưa tôi trở thành nhà báo đã được mở ra, tôi không thể không bước tiếp, bởi tôi tin đi là đến.
Gần đến ngày nhập trường, anh trai về thuyết phục bố mẹ cố gắng vất vả thêm một năm nuôi tôi học đại học, anh ra trường sẽ kiếm việc làm nuôi 3 năm còn lại. Ở nhà chưa lần nào tôi phải ăn bánh mì trừ bữa, còn lên đại học chuyện đó thường xuyên xảy ra, những khó khăn, thiếu thốn khiến tôi gầy nhom, nhưng bù lại tri thức ngày một tăng lên, những bài viết của tôi đã được đăng rải rác ở một số báo lớn. Đó là hành trang quý giá nhất giúp tôi trở thành phóng viên Báo Thái Bình hiện nay.
Những bài báo tôi viết tuy chưa thật sự xuất sắc, còn mắc sai sót, nhưng mỗi lần nghe cơ sở gọi điện cảm ơn vì bài mình viết, tôi thêm yêu nghề báo và thầm hứa sẽ cố gắng hơn nữa để trở thành một nhà báo có tâm, có tầm. Nhưng để có được ngày hôm nay, xin cảm ơn bố mẹ, anh chị, nhất là người anh quá cố của tôi đã vất vả, nhọc nhằn lo cho tôi ăn học và theo tôi suốt chặng đường dài; cảm ơn thầy cô luôn sát cánh, giúp tôi cả về tinh thần và vật chất; cảm ơn sự chỉ bảo tận tình như một người thầy của những đồng nghiệp tại tòa soạn Báo Thái Bình- ngôi nhà thứ hai của tôi.
Đỗ Hiền
Tin cùng chuyên mục
- Học tập cách viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh 22.12.2011 | 14:51 PM
- Những lời tâm huyết 22.12.2011 | 15:00 PM
- 50 năm một quãng đường dài 22.12.2011 | 15:03 PM
- Chuyện bây giờ mới kểChúng tôi đi góp phần “ổn định nông thôn” 22.12.2011 | 15:12 PM
- 50 năm đồng hành cùng Báo Thái Bình 22.12.2011 | 15:31 PM
- Bạn đọc là nguồn cổ vũ cho tôi viết 22.12.2011 | 15:33 PM
- Phóng viên trải lòng với nông nghiệp 22.12.2011 | 15:39 PM
- Cảm nhận tờ báo tuổi 50 23.12.2011 | 13:44 PM
- Tâm sự cộng tác viên 23.12.2011 | 13:56 PM
- Xây dựng Báo Thái Bình vững về chính trị, hấp dẫn về nội dung, đẹp về hình thức, phục vụ tích cực và có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tỉnh 23.12.2011 | 14:03 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai