Thứ 7, 16/11/2024, 18:57[GMT+7]

Cảm nhận tờ báo tuổi 50

Thứ 6, 23/12/2011 | 13:44:30
1,619 lượt xem
Càng gần đến thời khắc “mồng một, tháng một, năm hai nghìn không trăm mười hai” không khí trong tòa soạn Báo Thái Bình càng tấp nập hơn: Đó là thời khắc sinh nhật lần thứ 50 của tờ báo Đảng tỉnh nhà.

Lớp phóng viên trẻ thì háo hức hơn, bởi đây là dịp để được nhìn lại bức tranh nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành của Báo Thái Bình. Thế hệ “hậu sinh” mong muốn được nhìn vào truyền thống của lớp làm báo cha anh, mà có thêm niềm tin, thêm nguồn lực mới, sức sống mới... để vượt qua khó khăn thách thức của thời kỳ “bùng nổ thông tin” và sự cạnh tranh hết sức quyết liệt của các phương tiện thông tin thời mở cửa, hội nhập. Đây cũng là dịp để các thế hệ làm Báo Thái Bình đi trước, những “cây đa, cây đề”, những người đi “khai sơn, phá thạch” thủa ban đầu... có thời gian suy ngẫm về những gian nan, vất vả; những cống hiến của mình cho sự phát triển của tờ báo Đảng hôm nay.

 

Tôi là người không có may mắn như lớp phóng viên được sống những tháng năm của thời kỳ xuất hiện tờ báo “Tiến lên” và chặng đường đầu của tờ Báo Thái Bình, sống trong hơi thở của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ngồi đọc lại những kỷ niệm thân thương đầy tâm huyết của bác Lê Trọng, người Tổng biên tập mà thế hệ chúng tôi chỉ “văn kỳ thanh, bất Kiến kỳ hình”, mới thấy tự hào về tờ báo của mình; tự hào về lớp phóng viên đã và đang ở cái tuổi “xưa nay hiếm”. Nhưng gia sản các bác, các anh để lại là sự nghiệp vẻ vang của tờ báo Đảng. Là ý chí, nghị lực, phẩm chất, đạo đức tuyệt vời của người làm báo. Đó là tố chất vô cùng cần thiết để kết tinh nên một nhà báo có “tâm- tầm- tài” trong cơ chế mở cửa còn nhiều nhiễu nhương và lắm hiểm nguy này. Có thể không được thống kê thật chính xác, nhưng hẳn là trong số các tỉnh, thành phố của cả nước ta, ít có tờ báo nào lại được chính Bác Hồ- lãnh tụ vĩ đại, Người làm báo lỗi lạc, nhân cách lớn của thời đại đặt tên, từ Báo “Tiến lên”, thành “Thái Bình Tiến lên”. Năm 2000, cách đây 11 năm, tôi được tòa soạn cử đi dự một cuộc hội thảo ở Hà Nội, khi ban tổ chức hỏi: Đại diện của Báo Thái Bình Tiến lên, đến chưa? Rất nhiều đại biểu tỏ ra ngạc nhiên, còn tôi lại thấy ấm lòng, nghĩ rằng: Đến giờ cái tên tờ báo do Bác đặt vẫn đi vào tiềm thức mọi người và còn được lưu giữ trong danh mục báo chí.

 

Để trở về cội nguồn của 50 năm trước, không có cách nào hơn là ngồi đọc lại những hồi ức của thế hệ làm báo đi trước. Tổng biên tập Nguyễn Quang Điện, người kế nhiệm hôm nay cũng chỉ có thể nói với tôi rất khái quát về thủa khai sinh của tờ báo. Ngày ấy, 1-1-1962 tờ báo Tiến lên chính thức được ra đời, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Ngô Duy Đông làm chủ nhiệm chính trị, với vỏn vẹn có 7 phóng viên, biên tập viên. Sở dĩ lấy tên tờ báo là “Tiến Lên” vì ý nguyện của lãnh đạo tỉnh thời bấy giờ muốn giương cao ngọn cờ tư tưởng mà tiến lên. Mặt khác đây cũng là yếu tố bí mật của thời kỳ bí mật. Sau này, Bác Hồ muốn để tờ báo được “địa phương hóa”- Người đặt là “Thái Bình Tiến lên”. Tiếp thu ý kiến của Bác, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã cho đặt lại tên “Thái Bình Tiến lên”, sau này chỉ còn hai chữ “Thái Bình” như bây giờ.

 

Không chỉ quan tâm đến phong trào Thái Bình; để tâm suy nghĩ tên của một tờ báo địa phương... Bác đã dành nhiều tình cảm cho đồng bào, đồng chí tỉnh Thái Bình. Năm nay, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà kỷ niệm 45 năm Bác Hồ về thăm Thái Bình lần cuối, trước lúc Người đi xa. 5 lần Bác về Thái Bình, có lần vui, lần buồn. Khi nghe tin đê Đìa vỡ, Bác về động viên nhân dân “nhanh chóng hàn khẩu đê Đìa”. Lúc hàn khẩu xong, Bác về căn dặn “Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Mừng Thái Bình đạt năng suất 5 tấn thóc/ha, Bác về động viên, khen ngợi. Với những người làm báo Thái Bình, mãi không quên tình cảm của Bác dành cho cả tỉnh nói chung và người làm báo Đảng nói riêng những “ân sâu, nghĩa nặng”.

 

Trong bộn bề công việc phải lo toan của đất nước, Bác vẫn dành thời gian đọc Báo Thái Bình, thông qua những bài đăng trên Báo Thái Bình, Bác đã phê vào bên lề những câu, những chữ vừa có tính chỉ đạo, vừa thể hiện sự sâu sắc và tình cảm của Người. 10 năm (1959- 1969), Bác đã tặng 66 huy hiệu và hai bằng khen cho những cá nhân có thành tích xuất sắc; Bác nhắc nhở những việc làm chưa tốt mà báo đã nêu.

 

Suy nghĩ lại chặng đường 50 năm qua, lớp chúng tôi không có được nhiều vinh dự như các bậc đàn anh đi trước. Gian khổ, khó khăn, bom Mỹ đe dọa cái sống, cái chết từng giây, từng phút. Thời cơ chế bao cấp, chuyện “thiếu cơm, nhạt muối” trong mỗi chuyến công tác là chuyện hết sức bình thường... Mà sao vẫn có những trang báo đẹp, bài báo hay và sản sinh ra những nhà báo nổi tiếng? Phải chăng, con người ta giống như “vàng”, càng qua lửa càng sáng, đẹp.

 

Khi về công tác ở Báo Thái Bình, tôi được các đồng nghiệp nhắc nhiều đến Tổng biên tập Lê Trọng, với thái độ trân trọng về năng lực nghiệp vụ; về tư duy chỉ đạo và thấm đẫm tình người, tình đồng nghiệp. Rồi bác Bút Ngữ, sau này là Phó Tổng biên tập Thiếu Văn Sơn, nguyên Tổng biên tập Nguyễn Như Hinh- người mà anh em làm báo trân trọng bởi tính kiên định, cách dùng người trong từng công việc cụ thể. Các phóng viên không có “hàm, có chức” như Minh Chuyên, Đình Tuyến và sau này cả Ngọc Tuyền, Vũ Thắng... cũng được xếp vào lớp “hậu sinh, khả úy”. 50 năm, bây giờ người còn thì đã già yếu; một số người đã đi xa... Nhưng ảnh hưởng về nghề, phong cách làm việc và đạo đức làm báo của các bác, các anh, chị vẫn tỏa sáng mãi đến mai sau.

 

Tờ báo từ tuần báo, lên hai kỳ một tuần và bây giờ là 3 kỳ và một số cuối tuần, nguyệt san tháng và báo Điện tử. Từ vài trăm tờ lên hàng trăm nghìn tờ và từ 7 con người thủa ban đầu, hôm nay gần 40 người. Sự thống kê ấy không chỉ có tính số học mà kết tinh ở đó thành tựu, bài học kinh nghiệm để xây dựng và phát triển một tờ báo Đảng địa phương. Là tài sản vô giá về cung cách làm nghề, tư duy làm báo. Có thời gian, tờ báo cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn- âu cũng là quy luật tất yếu của sự vận động. Điều cốt lõi là sau mỗi lần như vậy, tờ báo lại đi lên, lại phát triển; củng cố niềm tin và nhận được nhiều hơn sự tin yêu của bạn đọc; sự chăm lo của cấp ủy, chính quyền và tấm lòng yêu thương, đùm bọc của nhân dân.

 

Thế hệ làm báo chúng tôi luôn tự nhủ lòng mình rằng: Phải sống và làm việc cho xứng đáng với thế hệ đi trước. Một câu hỏi luôn dằn vặt chúng tôi là “Ngày xưa thiếu thốn, khó khăn là thế mà vẫn có nhiều tác phẩm hay, nhiều nhà báo giỏi, nổi tiếng”. Nay, một bước lên xe, không các ngành đón thì đi xe máy; sáng đi trưa về, tối về nhà mà sao không có nhiều bài báo hay như thời các bác, các anh? Hàng chục năm nay, sau thời của Minh Chuyên, chưa có tác giả, tác phẩm nào đạt giải Quốc gia về báo chí hàng năm. Phải chăng do Thái Bình ít có sự kiện mang tầm cả nước, hay không có nhà báo thật giỏi?

 

Nhìn nhận vấn đề thật thẳng thắng nhân kỷ niệm tờ báo 50 năm tuổi là giải pháp tốt nhất để người làm báo hôm nay thấy rõ trách nhiệm của mình với tờ báo, với truyền thống và làm thế nào để tri ân thế hệ làm báo trước. Xứng đáng với sự quan tâm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân. Xứng đáng với sự tin yêu của đông đảo bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Đó cũng chính là tâm nguyện của Ban biên tập hôm nay, khi quyết định tổ chức ngày kỷ niệm tờ báo tròn tuổi 50.

 

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày