Thứ 7, 16/11/2024, 18:58[GMT+7]

Học tập cách viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ 5, 22/12/2011 | 14:51:54
1,719 lượt xem
“Hồ Chủ tịch rất chú trọng cách viết. Người rất cẩn trọng ngay đến cách dùng một từ nhỏ, một dấu chấm câu, cách bố cục một bài viết. Hồ Chủ tịch là một nhà ngôn ngữ nghiêm khắc...Cũng như Lê-nin, Người dùng rất ít chữ, mà là những chữ đúng nhất, cần thiết nhất, để một Viện sĩ hàn lâm đến người nông dân đều có thể hiểu được...”

Ảnh tư liệu

Trong lý lịch còn giữ tại kho lưu trữ của Quốc tế cộng sản trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi ở phần nghề nghiệp : “Nghề viết báo” bên cạnh một số nghề khác.

 

Một điều rất dễ nhận thấy là các bài viết của Bác Hồ thường ngắn. Phải có bản lĩnh, có trí tuệ phong phú mới viết ngắn được! Những bài báo của Bác được viết ra với một mục đích cụ thể là để người đọc Hiểu được - Nhớ được - Làm theo được. Và muốn thế, Người nói : “Muốn cho người đọc hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ người xem”(1). Bác còn viết, nhiều người cứ tưởng mình viết gì, nói gì, người khác đều hiểu cả !.

 

Trong cách nói, cách viết, Bác Hồ luôn chú ý tránh những thông tin thừa, những gì mọi người đã biết rồi thì Bác không viết nữa. Trong nhiều cuộc nói chuyện Bác thường nói : “Ðiều đó, chắc các cô, các chú đã hiểu, Bác không nói nhiều”. Trong những bài viết, Bác thường dùng những câu ngắn, giản dị, sáng rõ. Trong bài “Thư gửi thiếu nhi Việt Namon> đêm Trung thu đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà” ngày 22 tháng 9 năm 1945, in trên Báo Cứu Quốc số 49, Bác Hồ chỉ viết có 192 từ. Thư gửi Báo Thiếu Sinh số 1, tờ báo của trẻ em đầu tiên, Bác chỉ viết có 49 từ. Thư gửi các vị phụ lão ngày 20 tháng 9 năm 1945, Bác viết có 299 từ. Ngay đến một văn kiện quan trọng bậc nhất, đó là Bản Tuyên ngôn độc lập - Một văn bản lập quốc vĩ đại, đọc tại Ba Ðình lịch sử ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ viết có 1025 từ.

 

Là một người được làm việc gần Bác trong nhiều năm, đồng chí Trường Chinh đã viết : “Về văn phong, cách nói và cách viết của Hồ chủ tịch có những nét rất độc đáo : Nội dung khẳng khái, thấm thía, đi sâu vào tình cảm con người, chinh phục cả trái tim và khối óc của người ta; hình thức sinh động, giản dị, dễ hiểu, giàu tính dân tộc và tính nhân dân. Người rất ghét văn chương sáo rỗng, nhạt nhẽo, rất ghét nói và viết dài dòng, khó hiểu, lung tung, lằng nhằng, và kiên quyết phản đối dùng chữ nước ngoài không cần thiết”. 

 

Bác Hồ rất hay vận dụng ngôn ngữ và cách nói của quần chúng. Bác thường khuyên : “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới lọt tai quần chúng. Vì cách nói của quần chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực mà lại giản đơn (2). Chúng ta đều biết, những thành ngữ, ca dao tục ngữ vốn là sản phẩm của quần chúng lao động, là phương tiện biểu hiện tư tưởng, tình cảm, có từ rất lâu trong đời sống lao động của con người. Nó từ quần chúng, và đi vào quần chúng rất dễ dàng, thấm thía. Những câu viết của Bác giản dị, sâu sắc và đi thẳng vào lòng người, khiến người đọc chỉ một lần đã nhớ.

 

Lần nào nói chuyện với các nhà báo, Bác cũng nhắc nhở, báo chí của ta còn nhiều bài viết dài dòng quá. Bác phê bình cái lối viết “rau muống” và còn “ham dùng chữ”. Các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá. Những chữ tiếng ta có mà không dùng, lại dùng cho được chữ kia. Ba tháng thì nói “tam cá nguyệt”, xem xét thì nói “quan sát”, máy bay thì nói “phi cơ”, người đánh cá thì nói “ngư dân”, nhà in lại in nhầm chữ ư thành chữ u, thế là do bệnh dùng chữ mà người đánh cá hoá thành ngu dân !(3). Bác nhắc nhở những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta.

 

Nhưng đến nay, đọc các báo chúng ta vẫn còn thấy bệnh dùng chữ nước ngoài, và hình như gần đây bệnh đó lại có xu hướng lan tràn hơn! Bác Hồ là người hết lòng yêu mến, quý trọng tiếng Việt và tin tưởng vào khả năng to lớn của tiếng Việt. Bác đã nói : “Tiếng nói là thứ của cải lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. (4)

 

Nhà thơ Tố Hữu đã viết : “Văn chương của Hồ chủ tịch đã in sâu lên thời đại chúng ta.Nó chung đúc đến độ tinh vi cái đẹp bình dị của văn chương vô sản. Nó kết hợp một cách kỳ diệu những tư tưởng khoa học với điệu cảm, cách nói dân tộc”. (5)

 

Nhà văn Nguyễn Ðình Thi viết :”Khi Hồ Chủ tịch nói, là nhà hiền triết và người thi sĩ trong lòng mỗi người dân nói lên, vì tiếng nói đó động thấu những niềm sâu xa và đẹp đẽ nhất của lòng người” (6)

 

Nhà văn hóa Hà Huy Giáp cũng viết : “Hồ Chủ tịch rất chú trọng cách viết. Người rất cẩn trọng ngay đến cách dùng một từ nhỏ, một dấu chấm câu, cách bố cục một bài viết. Hồ chủ tịch là một nhà ngôn ngữ nghiêm khắc.Cũng như Lênin, Người dùng rất ít chữ, mà là những chữ đúng nhất, cần thiết nhất, để một viện sĩ hàn lâm đến người nông dân đều có thể hiểu được”.(7) 

 

(1)”Nâng cao hơn nữa chất lượng của báo chí” Báo Nhân Dân số 3095 ngày 9-9-1962

(2) “Sửa đổi lối làm việc” Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 5 trg 301.

(3) Bài nói của Bác Hồ tại Ðại hội lần thứ 2 Hội Nhà báo Việt Nam-HCM toàn tập-tập 9 trg 415

(4) Bài nói của Bác Hồ tại Ðại hội lần thứ 3 Hội Nhà báo Việt Namon>. HCM toàn tập-tập 10 trg 615

(5) Sách đã dẫn. NXB Giáo dục 1997-trg 217.

(6) “Hồ Chủ tịch, Nhà Văn hóa của Nhân dân” Nguyễn Ðình Thi Báo Văn nghệ số 23-Tháng 5 - 1950.

(7) Sách đã dẫn-NXB Giáo dục 1997-trg 123.

           Bùi Công Bính

(210 Ðô thị Kỳ Bá - TP Thái Bình)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày