Thứ 7, 16/11/2024, 18:28[GMT+7]

Bạn đọc là nguồn cổ vũ cho tôi viết

Thứ 5, 22/12/2011 | 15:33:46
1,312 lượt xem
Từ bài viết khoa học đầu tiên trong chuyên mục của báo Thái Bình cuối tuần, tôi liên tục “đứng trang”, đồng thời tôi cũng đã học và bảo vệ thành công luận văn Thạc sỹ y học chuyên ngành y học Huấn luyện giáo dục thể thao của Học viện Thể thao Quảng Châu, Trung Quốc. Trong tâm niệm của người làm báo, tôi luôn cảm ơn bạn đọc, những độc giả luôn cổ vũ cho tôi viết.

Bạn đọc với báo Thái Bình

Tháng 10 năm 2009, tôi viết bài báo khoa học: Khế - Truyền thuyết và thực dụng trong chuyên mục “Cây thuốc và vị thuốc quanh ta” đăng trên báo Thái Bình cuối tuần. Sau khi báo đăng, tôi nhận được thư của độc giả Lê Thanh Bình ở xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng. Trong thư, ngoài những ý kiến bình phẩm về các bài báo của tôi, có một bất ngờ là bác đã góp thêm một ý cho đoạn kết của bài viết.

Đoạn kết của bài: Khế - truyền thuyết và thực dụng, tôi viết: “Nhưng, không ít người lầm tưởng về quả khế, thấy ngon ăn mãi. Sau này thấy đau bụng mới than rằng:
“Trèo lên cây khế nửa ngày
Ai làm đau xót lòng này, khế ơi”

Thật oan cho cây khế và quả khế. Chẳng qua là khế có nhiều acid oxalic, nên ăn nhiều khế lượng acid này tác dụng lên bề mặt niêm mạc dạ dày, cộng với acid clohydric có sẵn trong dạ dày, “ăn mỏng” lớp niêm mạc gây lên chứng đau rát vùng thượng vị, có kèm theo ợ hơi, ợ chua. Lời khuyên của thầy thuốc là bạn nên ăn ít thôi, đặc biệt tránh ăn khế nhiều khi uống rượu và không ăn cơm”.

Với tinh thần xây dựng, bác Bình tham gia với tôi rằng, bác đã đọc và trao đổi nội dung bài báo trong câu lạc bộ người cao tuổi của xã, các hội viên đều có chung một nhận xét: Sao lại nửa ngày mới trèo lên cây khế? Theo các bác thì đó chính là lời than của người phụ nữ “nửa chừng xuân” chứ không hẳn là kết cục y học như tôi đã viết. Người phụ nữ đã “xay hết thóc” mà vẫn không thấy mình được giải phóng bởi sự ham muốn. Vậy, làm cách nào để giải tỏa tâm lý, người phụ nữ nọ chỉ còn cách chạy đến bên gốc khế, ăn một quả thấy chua xót trong lòng mà than “ai làm chua xót lòng này - khế ơi”. Các bác cho rằng, nếu bài viết của tôi có thêm chi tiết phân tích về ảnh hưởng tâm lý và có thể vị thuốc mà tôi viết có trong một phương thuốc hay nào đó chữa trị được chứng kích động tâm lý kia như  người phụ nữ gặp trong câu ca thì hay biết mấy. Đồng thời, trong một số bệnh thường gặp khác có những bài thuốc nào sử dụng đến vị thuốc này để chữa bệnh thì càng tốt, vì đó chính là hiệu quả của bài viết. Đọc thư và nghiền ngẫm lại ý tứ trong bài viết, tôi thấy mình cần phải cố gắng hơn. Sau đó, tôi viết liên tiếp một loạt bài về cây thuốc quanh ta, được bạn đọc mến mộ. Có độc giả đã gọi điện đến cảm ơn và nói rằng đã cắt những bài báo trong chuyên mục đóng thành quyển sách, giống như cẩm nang cây thuốc quý.

Từ bài viết khoa học đầu tiên trong chuyên mục của báo Thái Bình cuối tuần, tôi liên tục “đứng trang”, đồng thời tôi cũng đã học và bảo vệ thành công luận văn y học chuyên ngành y học huấn luyện giáo dục thể thao của Học viện Thể thao Quảng Châu, Trung Quốc. Trong tâm niệm của người làm báo, tôi luôn cảm ơn bạn đọc, những độc giả luôn cổ vũ cho tôi viết.

Lê Quang Viện

 


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày