Thứ 7, 23/11/2024, 22:54[GMT+7]

Để không còn trẻ sinh ra nhiễm HIV từ mẹ

Thứ 5, 20/06/2024 | 08:14:12
3,029 lượt xem
Cơ hội sinh con khỏe mạnh nhờ chương trình can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã mang đến niềm vui cho nhiều phụ nữ nhiễm HIV. Với nhiều giải pháp được triển khai, thời gian gần đây Thái Bình không ghi nhận có trẻ sinh ra nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Duy trì nhiều giải pháp

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là 1 trong 3 con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả sẽ góp phần giảm nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ. Xác định tầm quan trọng của chương trình can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, từ nhiều năm nay, các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh, nhất là ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp, góp phần giảm tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Thạc sĩ Bùi Thị Hồng Vân, cán bộ Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người nhiễm HIV về hiệu quả của chương trình can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; hướng dẫn cho phụ nữ nhiễm HIV các biện pháp giảm nguy cơ lây truyền; nhiều chương trình, lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho nhân viên y tế thôn, cán bộ, hội viên hội phụ nữ, các ban, ngành đã được tổ chức. Bên cạnh đó, các hoạt động dự phòng, điều trị sớm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV cũng được duy trì triển khai. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV sớm ngay trong những tháng đầu của thai kỳ. Tại các bệnh viện trong tỉnh cũng chủ động thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, nhất là trong lần khám thai đầu tiên; tư vấn, chuyển tiếp và theo dõi phụ nữ mang thai nhiễm HIV đến điều trị ARV tại các cơ sở điều trị HIV. Song song với việc điều trị sớm cho phụ nữ mang thai, việc điều trị dự phòng lây nhiễm cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cũng được thực hiện. Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được quản lý, theo dõi sức khỏe đến khi 18 tháng tuổi. Trong thời gian này, trẻ sẽ được làm xét nghiệm PCR.

3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 6 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV trước khi có thai, 6 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được dự phòng điều trị ARV. Do các biện pháp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được duy trì triển khai hiệu quả, thời gian gần đây, Thái Bình không ghi nhận trẻ bị HIV do lây truyền từ mẹ.

Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS. Những biện pháp can thiệp tích cực, điều trị dự phòng sớm sẽ giúp giảm đáng kể số trẻ bị phơi nhiễm HIV từ mẹ, thậm chí là 0%. Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030, Thái Bình tập trung triển khai nhiều giải pháp. Riêng trong tháng cao điểm, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã xây dựng kế hoạch với nhiều nội dung, hoạt động.

Bác sĩ Phạm Minh Quang, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 diễn ra từ ngày 1 - 30/6. Triển khai tháng cao điểm, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai với nhiều hoạt động cụ thể như: Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động hưởng ứng tháng cao điểm; triển khai thực hiện các hoạt động về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; dự trù và cung ứng đầy đủ thuốc dự phòng lây truyền cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV... Mục đích nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện mục tiêu đã đề ra là loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030; nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là phụ nữ mang thai, vợ của người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm, điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con sớm; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền từ mẹ sang con...

Mỗi đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh là mong muốn lớn nhất của những người làm cha làm mẹ và niềm mong mỏi ấy càng lớn hơn với những bà mẹ nhiễm HIV. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Truyền thông nâng cao nhận thức về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV, chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, đẩy mạnh các can thiệp và tăng cường chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... góp phần hướng tới mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030 tại Thái Bình nói riêng, cả nước nói chung.


Như Hoàng