Thứ 7, 23/11/2024, 21:38[GMT+7]

Chuyện làm báo tết

Thứ 2, 18/12/2017 | 08:54:42
1,090 lượt xem
Người làm báo cũng như các thành phần khác trong xã hội, mỗi khi tết đến xuân về đều chung một nghĩ suy là làm sao để có sản phẩm tốt nhất. Tờ báo tết phải đẹp về hình thức, nội dung nhẹ nhàng, hấp dẫn - một món ăn tinh thần vừa lòng mọi người.

Hội báo xuân năm 2017. Ảnh: Minh Đức

Khi còn công tác, tôi từng trải qua hàng chục năm được ban biên tập giao kế hoạch viết bài cho 2 số báo tết (tết dương lịch và tết Nguyên đán). Thường là nhận kế hoạch vào hạ tuần tháng 11 (khoảng tháng 10 âm lịch). Khó khăn lớn nhất với người viết bài cho 2 số báo đặc biệt này là không biết tết này thời tiết thế nào, ấm áp hay rét đậm. Có tết bài viết tả cảnh lạnh giá, mưa xuân thì đến ngày ra báo lại là nắng ấm, gió đông ào ào. Tả cảnh chợ hoa náo nhiệt ồn ã thì gặp năm mưa phùn, gió bấc. Lại còn giá cả nữa, chẳng thể khẳng định hàng tết năm nay cái gì khan hiếm. Số báo đặc biệt ra vào đầu năm mới dương lịch cũng nhiều trắc trở. Số liệu các ngành, các địa phương cung cấp cho nhà báo đều chỉ là ước thực hiện. Đối tượng bạn đọc phong phú, những người cẩn thận thường so sánh với báo cáo tổng kết của ngành, địa phương, chênh nhau ít thì không sao, chênh nhau nhiều là bạn đọc có ý kiến.

Nhiều năm làm báo tết nên chúng tôi cũng rút ra được những kinh nghiệm cho bản thân mình. Khi còn theo dõi khối công nghiệp, tôi thường đến tận nơi sản xuất, quan sát tỉ mỉ động tác của người lao động, phỏng vấn họ và ghi chép đầy đủ. Khi về viết bài để dành những chi tiết độc đáo, những câu trả lời hay cho báo tết và ấn phẩm đặc biệt của báo. 

Đến thăm xưởng thêu của làng nghề ở Minh Lãng (Vũ Thư), khi quan sát cô gái ngồi thêu bức tranh hoa, phát hiện ra cô thêu đến đâu bông hoa hiện ra đến đó, báo tết năm ấy tôi viết bài “Bàn tay hoa nở”, ảnh do Thành Tâm chụp, được địa phương khen bài và ảnh khá hay. 

Cùng đi với Phi Thành phóng viên ảnh về Kiến Xương khánh thành cầu bê tông bắc từ Nam Bình sang Bình Định, ngoài việc viết bài ngay cho số ra hôm sau, tôi quan sát thấy nhân dân hai xã ở hai đầu cầu vô cùng phấn khởi. Tôi suy nghĩ và để dành chủ đề cho báo cuối năm với tiêu đề bài báo “Nhịp cầu nối những bờ vui”. 

Nhà báo Anh Minh cũng có nhiều kinh nghiệm. Một lần cùng anh về Minh Tân (Đông Hưng), anh phát hiện ra đây không chỉ là địa phương thâm canh cây màu giỏi mà còn là nơi giỏi nghề trồng hoa, cây cảnh. Anh bảo với tôi, tết này sẽ trở lại Minh Tân viết một bài báo tết: “Làng lúa, làng hoa”. Thời gian trôi đi hàng chục năm rồi mà tôi vẫn nhớ về bài báo của Anh Minh - một bài báo hay mở đầu cho phong trào đổi mới cơ cấu giống cây trồng của huyện và của tỉnh.

Đình Tuyến, phóng viên chuyên phản ánh mặt trái xã hội. Trước tết mấy tháng, anh đến theo dõi một phiên tòa xét xử bị can tham gia vào “đề”, “hụi” bị vỡ nợ. Bị can là nghệ sĩ, chuyên đóng “mẹ Đốp” trong vở chèo “Thị Màu lên chùa”. Anh Tuyến bảo tôi: Tớ sẽ viết bài cho báo tết Nguyên đán: “Tết này mẹ Đốp đi đâu”. Nội dung bài báo không nhằm vào “mẹ Đốp” để phê phán nặng nề mà cảnh tỉnh những người mê say “đỏ đen” trong dịp tết. Bài báo hay, được bạn đọc gửi thư khen ngợi.

Phóng viên ảnh cũng vậy, thời kỹ thuật số chưa ra đời còn chụp ảnh bằng phim nhựa, từ các ông Minh Lập, Hồng Trường, sau nay đến Phi Hải, Thanh Lãng, Phi Thành, Thành Tâm, những ảnh đẹp, chủ đề tốt bao giờ các ông, các anh đều có ý thức để dành cho báo xuân, báo tết. Do vậy, Báo Thái Bình nhiều năm đạt giải ảnh bìa đẹp tại hội báo xuân Việt Nam.

Làm báo ở thời kỳ bao cấp và chưa hiện đại hóa khâu in ấn vất vả lắm; để có tờ báo đẹp trong dịp tết còn gian khó hơn nhiều nhưng cán bộ, phóng viên ai cũng say nghề. Ngày xưa phóng viên nữ rất ít, ngoài việc lo hoàn thành gấp bội công việc tòa soạn giao vào dịp cuối năm còn lo chuyện chồng con, bếp núc cho gia đình, mua sắm lễ lạt về bên nội, bên ngoại nhưng ai cũng đề cao trách nhiệm với tờ báo tết ngay từ khi nhận kế hoạch ban biên tập giao.

Làm báo tết vất vả nhưng vui vì đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của phóng viên với tờ báo.

Hoàng Duy

Thành phố Thái Bình