Chủ nhật, 17/11/2024, 09:42[GMT+7]

Nếu tôi không rơi vào “trạng thái chân không”...

Thứ 4, 21/12/2011 | 08:24:13
859 lượt xem
Có một thực tế không thể phủ nhận mà lâu nay chúng ta vẫn hay gặp ở nhiều hội nghị đó là việc “đầu giờ đông, giữa giờ vắng, cuối giờ lèo tèo!”. Đặc biệt cánh phóng viên báo chí vốn quen “chân chạy”, đôi khi cũng phải “đến muộn, về sớm” vì lý do nọ, lý do kia. Song chính từ sự “đến muộn, về sớm” ấy đã để lại cho tôi bài học nhớ đời.

Chế bản điện tử tại Phòng Vi tính Báo Thái Bình. Ảnh: Ngọc Trâm

Một hôm, tôi đang ngồi viết thì lãnh đạo cơ quan vào. (Nếu sếp đã đến phòng thì chắc chắn là sẽ có việc, tôi nghĩ nhanh). Nét mặt khá nghiêm trọng, anh nói: “Anh vừa nhận được cái này!”. Rút một phong thư từ túi áo, anh đưa cho tôi. Dự cảm có chuyện không hay, tôi lo lắng mở. Phần in số báo, ngày, tháng... trên măng séc báo và cái tin nhỏ (tác phẩm của tôi) đã được cắt ra từ  một số báo vừa ra tuần trước. Tôi giật thót mình. Trong mẩu tin, có một dòng đã được gạch dưới và dòng chữ sửa bên lề: “lãnh đạo đơn vị...” .

 

Tôi nhớ lại hội nghị hôm ấy. Đó là một hội nghị hàng tháng của một ban Đảng, tôi được trưởng ban cử đi viết tin. Nhưng hôm ấy do đến muộn, hội trường kín chỗ không còn ghế ngồi, đứng ngoài nghe lời khai mạc câu được câu mất, lại dự một lát rồi về nên tôi đã viết sai thành phần tham dự. Lúng túng không biết giải thích thế nào, nhận thấy cũng không có lý lẽ gì để tự ngụy biện cho cái sai rất đáng trách của mình, tôi chỉ dám rụt rè: “Bây giờ phải thế nào hả anh?”. “Anh cũng chưa biết nên thế nào!”. Lãnh đạo cười nhẹ, vừa độ lượng vừa trách móc làm tôi càng thấy xấu hổ. Biết về vụ tai nạn của tôi, một đồng nghiệp lớn tuổi hơn đã  nói rất chí lý: “Tớ cũng là phóng viên nên biết. Tại cậu cho rằng cái hội nghị ấy nhỏ, đấy là cái tin còi nên cậu chủ quan. Thế nên người ta mới dạy ra biển không chết, chết trong vũng nước là như vậy!”.

 

Đêm ấy, tôi đã không thể ngủ. Một cảm giác dằn vặt, buồn bã xâm chiếm. “Tại sao mình lại thiếu trách nhiệm một cách ngu ngốc như vậy?”. Đó là câu hỏi tôi đã tự đặt ra cho mình hàng trăm lần. “Viết sai, hôm sau lại phải đính chính, đó là điều khó tránh đối với mỗi người viết báo. Cũng không ai dám khẳng định là cả sự nghiệp của mình sẽ không bao giờ có lúc sai. Nhưng... “phải rút kinh nghiệm...!”. Câu nhắc nhở nghiêm khắc nhưng nhiều thông cảm của Trưởng ban làm tôi thấy nhẹ lòng hơn. Nhưng đôi lúc, nỗi buồn của tôi lại như trào dâng trở lại bởi sự hời hợt, thiếu trách nhiệm của mình đã ảnh hưởng đến tập thể...

 

Hôm nay, ngồi viết lại chuyện này, một cảm giác dằn vặt, buồn mơ hồ lại trở về. Chuyện đã qua nhưng từ đó làm tôi suy nghĩ đến nhiều điều. Nhiều khi chúng ta sống với một thái độ hời hợt và ít trách nhiệm. Hết ngày này sang ngày khác, chúng ta sống trong sự bình thản đến vô tâm như vậy, mãi thành quen nên thấy những điều “không bình thường” thành “bình thường”.

 

Mọi thứ sẽ vẫn là “bình thường” khi không có ngày bỗng nghe tiếng “rầm” của một tai nạn, ta mới giật mình nháo nhác đi tìm nguyên nhân vì sao. Đó là sự hời hợt, chủ quan, thiếu trách nhiệm hay cái mà lâu nay xã hội đã được cảnh báo: bệnh vô cảm? Tôi, một người đã chọn nghề viết nhưng đã có lúc cũng để mình rơi vào “trạng thái chân không” như thế. Người viết chân chính không chấp nhận được hai từ “vô cảm”. Phải học cách sống có trách nhiệm hơn với cuộc sống và với chính bản thân mình. Có những câu chuyện rất nhỏ nhưng đã để lại cả bài học lớn.

 

Trần Thu Hương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày